Đài NBC News (Mỹ) hôm 15-11 trích lời hai quan chức cấp cao Mỹ và hai nguồn tin khác nói rằng đây có lẽ là lần thứ hai Nhà Trắng tìm cách trục xuất giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại bang Pennsylvania. Trong những ngày đầu nhậm chức Tổng thống, chính quyền của ông Trump từng yêu cầu Bộ Tư pháp xem xét vấn đề này.
Mỹ dự định dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen. Ảnh: Reuters |
Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn cáo buộc ông Gulen tham gia âm mưu đảo chính bất thành hồi năm 2016. Tuy nhiên, ông Gulen phủ nhận cáo buộc trên và Mỹ vẫn chưa thấy đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ đủ thuyết phục để dẫn độ giáo sĩ này.
Nỗ lực dẫn độ ông Gulen mới đây nhất diễn ra khi chính quyền ông Trump tìm cách xoa dịu Tổng thống Erdogan về vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Ả Rập Saudi là đồng minh quan trọng của Mỹ và Thái tử Mohammed bin Salman, người thừa kế ngai vàng, có mối quan hệ thân thiết với cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner, con rể của Tổng thống Trump.
Vụ sát hại nhà báo Khashoggi xảy ra và nhiều ánh mắt đang chĩa về phía Thái tử Mohammed bin Salman. Trong khi đó, ông Erdogan khẳng định có bằng chứng vụ sát hại được thực hiện theo lệnh từ "cấp cao nhất" của Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan không nêu tên cụ thể và nhiều lần cho rằng không tin Quốc vương Salman có liên quan trong vụ việc.
Trong diễn biến liên quan, Mỹ hôm 15-11 áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với 17 quan chức Ả Rập Saudi vì dính líu đến vụ giết hại nhà báo Khashoggi.
Các biện pháp trừng phạt từ Bộ Tài chính Mỹ là phản ứng cụ thể đầu tiên của chính quyền ông Trump đối với cái chết của nhà báo Khashoggi tại Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10.
Những biện pháp trừng phạt nhằm vào Saud al-Qahtani, cố vấn hàng đầu của Thái tử Mohammed bin Salman đã bị sa thải, Tổng lãnh sự Ả Rập Saudi Mohammad al-Otaibi cũng như các thành viên trong nhóm 15 người bị phía Ankara cáo buộc có liên quan vụ ám sát. Các lệnh trừng phạt hạn chế những quan chức này tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và đóng băng tài sản của họ tại Mỹ.