Chiến tranh khó bùng phát giữa Nga và Ukraine sau vụ bắt tàu chiến

Thứ ba, 27/11/2018, 11:28
Căng thẳng liên quan vụ Nga bắt tàu chiến Ukraine nhiều khả năng chỉ dừng ở mức độ khẩu chiến, khi các bên không phản ứng quá quyết liệt.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đứng trên bục phát biểu trước các nghị sĩ hôm 26/11. Ảnh: Reuters.

Quốc hội Ukraine hôm qua bỏ phiếu thông qua đề xuất thiết quân luật trong vòng 30 ngày tại các khu vực giáp Nga, nhằm phản ứng với vụ Cảnh sát biển Nga nổ súng bắt ba tàu chiến nước này ở khu vực gần eo biển Kerch nối giữa Biển Đen và Biển Azov, theo NYTimes. Giới phân tích đánh giá động thái này của Kiev có thể làm theo thang thêm căng thẳng với Moskva, nhưng tình hình sẽ không vượt tầm kiểm soát khi phương Tây khó có thể can thiệp bằng quân sự.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko trước đó đã nói rõ đề xuất này không phải là một hành động tuyên chiến với Nga, quốc hội nước này cũng khẳng định việc thiết quân luật chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trước "nguy cơ bị tấn công", đồng nghĩa với việc Kiev sẽ không chủ động dùng vũ lực đáp trả Moskva sau vụ tàu chiến nước này bị bắt.

Việc Kiev thiết quân luật được coi là phản ứng mạnh nhất của nước này sau cuộc đối đầu trên Biển Đen giữa cảnh sát biển Nga và tàu chiến Ukraine. Các đồng minh, đối tác thân cận của Ukraine như NATO và Mỹ tới nay mới chỉ đưa ra một số phát ngôn thể hiện sự thận trọng với sự việc.

NATO hôm qua tuyên bố khối đang "theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình", mong muốn các bên kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng. "Chúng tôi kêu gọi Nga đảm bảo quyền tiếp cận không bị cản trở tới các cảng Ukraine trên Biển Azov theo luật quốc tế", tuyên bố có đoạn.

Trong phiên họp khẩn Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua, đại sứ các nước Mỹ, Anh, Pháp lên tiếng chỉ trích Nga "vi phạm chủ quyền Ukraine" và có hành động "liều lĩnh". Đại sứ Anh Jonathan Allen cho rằng đây là dấu hiệu của việc Nga đang tìm cách kiểm soát hoàn toàn Biển Azov.

Đại sứ Mỹ Nikki Haley tuyên bố chính quyền Tổng thống Donald Trump và cộng đồng quốc tế sẽ không chấp nhận "hành động ngạo mạn" này của Nga. Tuy nhiên, chính Tổng thống Trump sau đó lại nói với các phóng viên rằng ông "không thích những gì đang diễn ra và hy vọng sự cố được giải quyết" mà không có bất cứ lời chỉ trích nào nhắm vào Nga.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky thì lên án mạnh mẽ hành động của thủy thủ đoàn tàu chiến Ukraine, cáo buộc lãnh đạo nước này "nuôi dưỡng sự thù ghét nước Nga" bằng hoạt động "tẩy não", đồng thời cho rằng việc kích động tâm lý đối đầu với Nga mang lại lợi thế cho Tổng thống Poroshenko, người đang có tỷ lệ ủng hộ thấp trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 3 năm sau.

Phản ứng quyết liệt nhất đến nay nhiều khả năng là đề xuất của Anders Aslund, chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, người cho rằng Mỹ, NATO và EU phải hành động một cách quyết liệt để đáp trả Nga bằng cách điều tàu chiến đến Biển Đen và Biển Azov để đảm bảo "tự do hàng hải quốc tế".

Tuy nhiên, bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner cho rằng đề xuất của Aslund vừa không phù hợp với thực tiễn, vừa có thể gây ra những hậu quả khó lường nếu được thực hiện. Trên thực tế, Biển Azov được Moskva và Kiev coi là vùng nước nội thủy bằng hiệp ước ký năm 2003 và nó chưa bao giờ được coi là "vùng biển quốc tế", mọi hoạt động đi lại trên vùng biển này đều phải chịu sự kiểm soát của nhà chức trách Nga và Ukraine.

Biển Azov nằm giữa lãnh thổ Nga và Ukraine, được hai nước coi là vùng nước nội thủy.

Việc Mỹ hay NATO điều tàu chiến tiến vào Biển Azov sẽ châm ngòi cho phản ứng quyết liệt từ Nga, kích động làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong nước và khiến Tổng thống Vladimir Putin không còn cách nào khác ngoài việc sử dụng vũ lực đáp trả. "Nói một cách đơn giản, nếu Mỹ tiến vào Biển Azov, chúng ta phải sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga. Liệu chúng ta có muốn điều đó?", Rogan đặt câu hỏi.

Bởi vậy, vụ Nga nổ súng bắt tàu chiến Ukraine trên Biển Đen được coi là sự leo thang đáng kể căng thẳng giữa hai nước, nhưng nó nhiều khả năng chỉ dừng lại ở một cuộc khẩu chiến giữa hai bên và sẽ không châm ngòi cho bất cứ một cuộc phiêu lưu quân sự hay hành động can thiệp nào từ bên ngoài.

Bình luận viên Michael Schwirtz của NYTimes thì cho rằng phản ứng của chính quyền Tổng thống Poroshenko tới nay nhiều khả năng nhắm vào dư luận trong nước hơn là để đối phó với Nga. Đây là lần đầu tiên Ukraine thiết quân luật kể từ khi cuộc xung đột với phong trào ly khai bùng phát ở miền Đông nước này năm 2014 và nó được ban hành chỉ vài tháng trước khi cuộc bầu cử quan trọng diễn ra ở nước này.

Ba tàu chiến Ukraine bị áp giải về neo đậu ở cảng Kerch sau khi bị cảnh sát biển Nga bắt. Ảnh: AFP.

Nhiều thành viên phe đối lập chỉ trích biện pháp thiết quân luật do Poroshenko đề xuất chỉ là một "mưu đồ chính trị" nhằm thu hút sự ủng hộ của dư luận đối với sự lãnh đạo của ông. Poroshenko đang đối mặt với nguy cơ thất cử trong cuộc bầu cử vào tháng 3/2019, bởi tỷ lệ ủng hộ của cử tri đang giảm sút nghiêm trọng. Việc thiết quân luật có thể giúp Poroshenko trì hoãn cuộc bầu cử và kêu gọi thêm sự ủng hộ từ phong trào dân tộc chủ nghĩa chống Nga.

Nhiều khu vực ở Ukraine cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào dân tộc chủ nghĩa sau vụ Nga bắt tàu chiến Ukraine. Hàng trăm phần tử quá kích đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Nga ở Kiev vã lãnh sự quán ở Kharkov để biểu tình, ném pháo sáng, một chiếc xe của đại sứ quán bị đốt cháy. Các phần tử cực hữu hôm qua cũng tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Ukraine, yêu cầu các nghị sĩ có hành động quyết liệt chống lại Nga.

Theo VNE

Các tin cũ hơn