|
Donald Trump (trái) chụp ảnh cùng George H.W. Bush trong một sự kiện năm 1988. Ảnh: NYPost. |
Di sản của cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush được thể hiện rất rõ chỉ vài giờ trước khi ông qua đời hôm 30/11. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump lúc đó ký một thỏa thuận thương mại mới với Mexico và Canada (USMCA), được coi là thế hệ tiếp theo của Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được Bush "cha" khởi xướng gần ba thập kỷ trước đây, theo NYTimes.
Tuy nhiên, khi đặt bút ký vào thỏa thuận này, thay vì củng cố một văn kiện được Bush "cha" đặt những viên gạch đầu tiên, Trump gần như đã hoàn toàn phá bỏ nó. USMCA không phải là sự nâng cấp của NAFTA, mà được Trump mô tả là sự thay thế cho một "thỏa thuận thảm họa".
Là Tổng thống Mỹ cuối cùng từng tham gia trong Thế chiến II, Bush "cha" được nhà sử học Mark K. Updegrove đánh giá là "hình mẫu đối lập" với cách lãnh đạo của đảng Cộng hòa mà chúng ta thấy hiện nay. "Ông ấy có đủ sự khiêm nhường, nhã nhặn và chấp nhận hy sinh của thế hệ Thế chiến II. Bush cứng rắn nhưng công tâm, làm bạn với cả hai phe trong quốc hội và khước từ khái niệm ‘một mất một còn’ trong chính trị".
Bush "cha" dẫn dắt nước Mỹ bước qua thời kỳ khi cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường suốt nhiều thập kỷ đi đến hồi kết và Mỹ trở thành thế lực chiếm ưu thế trên toàn cầu. Với việc thúc đẩy quá trình thống nhất của nước Đức, ông góp phần vẽ lại bản đồ châu Âu và tạo điều kiện cho quá trình giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Nhưng đảng Cộng hòa sau thời Bush "cha" không còn giữ lại phong cách đó, điển hình là với sự trỗi dậy của Newt Gingrich, người bị nhiều học giả Mỹ coi là đóng vai trò quan trọng trong việc khoét sâu chia rẽ chính trị lưỡng đảng và phá vỡ những thông lệ dân chủ ở Mỹ.
Trong thời kỳ giữ chức chủ tịch hạ viện 1995-1999 dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Gingrich khuyến khích các thành viên đảng Cộng hòa thể hiện lập trường hung hăng hơn với đảng Dân chủ, thường xuyên gọi họ bằng những từ ngữ đầy kích động như "tha hóa, phát xít, hủy hoại nước Mỹ, phản bội, hổ thẹn". Nhà khoa học chính trị Daniel Ziblatt thuộc Đại học Harvard cho rằng Gingrich đã để lại "vết sẹo" rất lớn trong nền chính trị và dân chủ Mỹ.
Theo Jon Meacham, người viết hồi ký cho Bush "cha", Tổng thống thứ 41 của Mỹ thời đó đã nhận ra rằng thời kỳ chính trị Mỹ bị chi phối bởi sự chia rẽ lưỡng đảng theo cách của Gingrich sắp đến và "ông ấy không thích điều đó một chút nào".
Nhiều nhà quan sát cho rằng sự trỗi dậy của Gingrich trong đảng Cộng hòa rất giống với những gì Trump đã làm để trở thành ứng viên đại diện cho đảng này ra tranh cử năm 2016 và cuối cùng giành chiến thắng để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Phong cách lãnh đạo của Trump hiện nay hoàn toàn đối lập với những gì Bush "cha" từng thể hiện.
Nói không với phong cách chính trị "lịch thiệp và nhã nhặn", Trump ưa tranh cãi và công kích tất cả, kể cả với chính đảng Cộng hòa. Khái niệm "trật tự thế giới mới" trong thương mại và chủ nghĩa quốc tế dựa trên xây dựng đồng minh mà Bush "cha" đề xướng đã bị Trump thay thế bằng khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" cùng thái độ chống đối đến cùng với chủ nghĩa toàn cầu hóa.
|
Tổng thống Trump tại hội nghị G20 ở Argentina. Ảnh: Reuters. |
Trong hai năm cầm quyền vừa qua, Trump thể hiện một cách rõ ràng rằng ông coi phong cách "đồng hành để hòa hợp" được định hình dưới thời Bush "cha" là không còn phù hợp để thúc đẩy nước Mỹ tiến lên trong một thế giới "thù địch". Trong mắt Trump, những gì mà Bush từng coi là "lịch thiệp và phẩm giá" lại là biểu hiện của sự yếu đuối và cách lãnh đạo của Bush đã khiến nước Mỹ bị các đồng minh lẫn đối thủ "lợi dụng" cả về kinh tế lẫn an ninh.
Bush "cha" trong những năm cuối đời vẫn giữ quan điểm chính trị của mình và luôn được các Tổng thống Mỹ sau này ngưỡng mộ, khâm phục. Khi Tổng thống Obama đến thăm thành phố Houston năm 2014, ông rất ngỡ ngàng khi thấy Bush "cha" ngồi xe lăn chờ đón ở đường băng sân bay. "Khi Tổng thống Mỹ tới thăm thành phố của bạn, bạn phải có mặt và đón ông ấy", Bush "cha" sau đó giải thích một cách ngắn gọn.
Obama hôm 27/11 tới Houston dự một hội thảo và không bỏ lỡ cơ hội để "đến thăm người bạn 41 của tôi", ám chỉ Tổng thống thứ 41 của Mỹ. Trong bữa tối tại Viện Chính sách Công James A. Baker III hôm đó, Obama khẳng định Bush "cha" xứng đáng "được ghi nhận công lao to lớn vì đã kết thúc Chiến tranh Lạnh".
|
Từ trái qua: Bush "cha", Obama, Bush "con", Clinton và Carter tại Phòng Bầu dục trước lễ nhậm chức của Obama năm 2009. Ảnh: AP. |
Nhưng Bush "cha" không bao giờ thể hiện cảm tình với Trump. Khi Bush "cha" ra tranh cử vào năm 1988, Trump đã bày tỏ mong muốn được tham gia chiến dịch của ông, nhưng Bush không coi đây là ý tưởng nghiêm túc, thậm chí cho rằng điều đó "lạ lùng và không thể tin được", theo hồi ký của Meacham.
"Tôi không thích ông ấy", Bush "cha" nói thẳng quan điểm về Trump trong một cuộc phỏng vấn năm 2016. "Tôi không biết nhiều về ông ấy, nhưng tôi hiểu Trump là một người thích huênh hoang. Tôi không kỳ vọng nhiều vào khả năng ông ấy sẽ trở thành một lãnh đạo".
Trump cuối cùng lại trở thành Tổng thống Mỹ bằng phong cách và chính sách trái ngược với Bush "cha". Bình luận viên Peter Baker của NYTimes cho rằng thỏa thuận USMCA là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nước Mỹ của Bush "cha" đã hoàn toàn nhường đường cho nước Mỹ của Trump. Nhưng dù muốn xóa bỏ di sản cũ đến mức nào, Trump hiện vẫn hành động trong khuôn khổ mà Bush "cha" đã góp phần tạo nên.
Trong khi gây sức ép với Quốc hội Mỹ xóa bỏ NAFTA, Trump vẫn phải chấp nhận tầm nhìn của Bush "cha" về việc liên kết ba quốc gia Bắc Mỹ thành một khối thương mại thống nhất. Các liên minh đa quốc gia mà Tổng thống thứ 41 dày công xây dựng và củng cố vẫn được giữ nguyên, bất chấp việc niềm tin vào vai trò của Mỹ giữa các đồng minh ngày một lung lay. Trong lòng nước Mỹ, những đạo luật về quyền công dân, môi trường được xây dựng từ thời Bush vẫn phát huy hiệu quả.
"Ông ấy là người đàn ông rất tốt. Tôi đã gặp ông ấy nhiều lần", Trump phát biểu bên lề hội nghị G20, sau khi gọi điện cho người thân Bush "cha" để chia buồn. "Ông ấy là người tuyệt vời và sẽ được nhớ đến. Ông đã sống cuộc đời viên mãn và gương mẫu".
Theo VNE