UBND TP.HCM ra công văn khẩn liên quan dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Thứ sáu, 21/12/2018, 18:14
Nếu Trung Nam - đơn vị thực hiện Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng để xảy ra hậu quả do mất an toàn giao thông đường thủy tại các khu vực đang triển khai thi công công trình thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn đề nghị Công ty Trung Nam BT 1547 - đơn vị thực hiện Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giải đoạn 1) có trách nhiệm tổ chức thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy tại các công trình cống kiểm soát triều thuộc dự án trên theo đúng quy định.

Nếu để xảy ra hậu quả do mất an toàn giao thông đường thủy tại các khu vực đang triển khai thi công công trình liên quan dự án thì Trung Nam phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

UBND TP HCM ra công văn khẩn liên quan dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Cống ngăn triều Phú Xuân còn hạng mục mang cống chưa hoàn thành, người lái tàu phải căng mắt khi đi qua

Song song đó, UBND TP giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Phòng Cảnh sát Đường thủy - Công an TP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đoàn Kiểm tra liên ngành trật tự an toàn giao thông đường thủy và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy tại khu vực các công trình dự án trên.

Liên quan đến vấn đề trên, Báo Người Lao Động đã có bài viết "Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng: Ẩn họa ở các cống ngăn triều" hôm 11-12. Cụ thể, tại một số hạng mục công trình cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, phóng viên Báo Người Lao Động đã nghe phản ánh những lo ngại, bức xúc mà chủ tàu, thuyền đang phải đối mặt hằng ngày.

Theo quan sát, cống ngăn triều Tân Thuận (giữa quận 4 và quận 7) thi công dang dở ở cả 2 trụ cống khiến cho phần cừ choán hết lòng sông, chỉ chừa khoảng trống rộng chừng 15m cho tàu thuyền qua lại. Trong khi đó, nếu ở phía quận 4, hàng cừ vây được sơn màu trắng - đỏ xen kẽ để cảnh báo tàu thuyền thì phía quận 7 lại khá sơ sài nên người lái tàu rất khó nhận biết vào ban đêm.

Anh Trần Văn Toàn, một tài công thường cho tàu neo đậu ở bến Tân Thuận, cho biết mỗi khi đi qua công trình là phải căng mắt nhìn 2 bên bởi sợ đụng phải công trình. Từ lúc bắt đầu khởi công, mặt sông bị thu hẹp lại rất nhiều khiến giao thông bị cản trở. "Lúc trước còn có người hướng dẫn luồng tuyến, cảnh báo đi chỗ nào cho an toàn, nay thỉnh thoảng mới có người hướng dẫn. Vậy mà chẳng thấy cơ quan chức năng nhắc nhở hay lập biên bản xử phạt về hành vi vi phạm an toàn nơi công trình đang thi công" - anh Toàn bức xúc nói.

Tương tự, cống ngăn triều Phú Xuân (giữa quận 7 và huyện Nhà Bè) vẫn không thể làm các tài công yên tâm dù việc thi công có phần hoàn thiện hơn cống Tân Thuận. Tại khu vực này, có nhiều tàu thuyền neo đậu và mỗi khi cập bến, tài công phải luồn lách giữa những cọc sắt để tránh va chạm.

Không chỉ gây lo ngại cho các tài công, theo Sở Giao thông vận tải, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dọc tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé dự kiến sẽ hoạt động trong năm 2018 nhưng vì hạng mục cống ngăn triều Bến Nghé chưa xong nên phải dời lại đến năm 2020.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn