|
Ông Đinh Bằng My - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) |
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, vụ việc ông Đinh Bằng My - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) lạm dụng tình dục hàng loạt học sinh nam là việc khiến cô thấy sốc và đau.
Mấy ngày qua dư luận lên án việc nhiều giáo viên trong trường biết việc nhưng không bảo vệ các em mà còn trêu trọc các em, “ỉm đi” không lên tiếng tố cáo, cô Huyền Thảo cũng cho rằng “ Ai dám cất lên tiếng nói khi giáo viên bây giờ đều bị cột chặt bởi thi đua. Ông hiệu trưởng này đã cậy quyền ỷ thế, vậy giáo viên nào dám chống đối lại đây?”.
Mặt khác, cô Huyền Thảo, thực tế, ở nhiều trường, giáo viên còn là là cánh tay của hiệu trưởng nên việc giáo viên dám lên tiếng hay muốn dân chủ chỉ là ... hình thức.
“Tôi không biết sẽ làm gì nếu trường hợp này xảy ra ở trường tôi. Nhưng điều đầu tiên tôi sẽ nghe và xem xét. Tôi sẽ hướng dẫn và chỉ cho học sinh của mình có bằng chứng. Vì nếu không có bằng chứng thì họ sẽ chối cãi hết”- cô Thảo nói.
Cú “dội” vào ngành giáo dục
Với cô giáo Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên dạy Văn của trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho rằng, vụ việc ông Đinh Bằng My - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) bị bắt vì hành vi lạm dụng tình dục là một cú “dội” vào ngành giáo dục vốn có quá nhiều vấn đề trong năm qua.
Cô Thủy nêu quan điểm, đây là vết nhọ trong ngành giáo dục: “Hành vi của thầy hiệu trưởng thì không có từ gì để diễn tả nổi rồi. Mặt khác, nếu sự thật giáo viên biết sự việc mà còn trêu các em nữa thì các giáo viên đó cũng phải có trách nhiệm, không chỉ đồng lõa với thầy hiệu trưởng mà còn gây lên tội ác”.
Cô Thủy cũng cho rằng, đây là hệ quả của việc giáo viên đào tạo một cách ồ ạt, đầu vào, đầu ra về đào tạo giáo viên không được “kiểm định” chặt chẽ dẫn đến thực tế nhiều giáo viên thiếu trách nhiệm, đạo đức nghề giáo kém dẫn đến dễ bị quyền uy của các hiệu trưởng “xô ngã”.
Cũng theo cô Thủy, một vấn đề ở đây nữa chính là việc bỏ ngỏ về giáo dục kĩ năng trong nhà trường. Nhà trường chỉ nặng học chữ mà coi nhẹ dạy học sinh những kỹ năng sống, kỹ năng xử lý trong tình huống khi “gặp nạn”.
“Những đứa trẻ ở đây đều là học sinh cấp hai nhưng không ai dạy cho các em biết bảo vệ bản thân, không biết tôn trọng bản thân và khi ép buộc thì cứ thế làm theo”- cô Thủy nêu ý kiến.
Theo Tiền Phong