Quan chức Indonesia giải thích lý do không có cảnh báo sóng thần

Thứ hai, 24/12/2018, 09:30
Việc Indonesia chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần do núi lửa phun trào và phao sóng thần ngừng hoạt động đã ảnh hưởng tới khả năng dự báo.

Các nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân ở Pandeglang hôm 23/12 sau trận sóng thần. Ảnh: AFP.

"Indonesia chưa có hệ thống cảnh báo sóng thần do sạt lở ngầm dưới biển và núi lửa phun trào gây ra. Hệ thống cảnh báo hiện nay chỉ phát hiện sóng thần khi có động đất", Guardian dẫn lời Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia hôm nay cho biết. Ông cũng kêu gọi xây dựng hệ thống mới đáp ứng được mọi trường hợp.

Hoạt động của núi lửa Anak Krakatau được cho là nguyên nhân dẫn đến trận sóng thần tối 22/12 tại eo biển Sunda, ảnh hưởng tới các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung, khiến 222 người chết và 843 người bị thương, trong khi 28 người vẫn đang mất tích. Anak Krakatau phun trào chỉ 24 phút trước khi sóng thần diễn ra.

Ông Sutopo nói thêm rằng việc hệ thống phao sóng thần, thiết bị dùng để phát hiện sóng thần, không hoạt động kể từ năm 2012 cũng ảnh hưởng tới khả năng phát hiện thảm họa. "Sự phá hoại, ngân sách hạn chế và thiệt hại về mặt kỹ thuật đồng nghĩa với việc không có phao sóng thần tại thời điểm này. Chúng cần được xây dựng lại để củng cố hệ thống cảnh báo sóng thần ở Indonesia", ông Sutopo viết trên Twitter.

Tuy nhiên, người phát ngôn lưu ý rằng hệ thống phát hiện động đất của Indonesia "đang hoạt động tốt". "Chưa đầy 5 phút sau mỗi trận động đất, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) có thể thông báo cho người dân", ông nói.

Richard Teeuw, chuyên gia địa chất tại đại học Portsmouth của Anh, đánh giá trận sóng thần hôm 22/12 tương đối nhỏ nếu so với sóng thần do động đất dưới đáy biển gây ra, nhưng nó đặc biệt nguy hiểm vì gần như không có dấu hiệu cảnh báo nào.

Chính quyền Indonesia ban đầu tuyên bố không có sóng thần mà là một đợt thủy triều dâng cao, kêu gọi công chúng không hoảng sợ. Ông Sutopo sau đó đã xin lỗi về sai lầm trên Twitter, nói rằng vì không có động đất nên rất khó xác định nguyên nhân vụ việc.

Trong bài đăng hôm nay, ông Sutopo giải thích thêm rằng núi lửa Anak Krakatau phun trào "gần như mỗi ngày". "Anak Krakatau phun trào kể từ tháng 6/2018 tới nay. Vụ phun trào hôm 22/12 không phải lớn nhất. Giai đoạn tháng 10 - tháng 11 có một vụ phun trào lớn hơn", ông cho biết.

Indonesia, quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm, là một trong những nơi hứng chịu nhiều vụ phun trào núi lửa và động đất nhất thế giới. Hồi tháng 9, động đất 7,5 độ ở Sulawesi gây sóng thần đã khiến 2.000 người thiệt mạng và hơn 5.000 người mất tích.

Theo VNE

Các tin cũ hơn