Đồng minh lo Tổng thống Trump"'lật kèo" sau khi Bộ trưởng Quốc phòng từ chức

Thứ hai, 24/12/2018, 15:39
Quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis có thể sẽ trở thành một cột mốc đánh dấu bước ngoặt trong chính sách ngoại giao của Mỹ với các đối tác liên minh quân sự hiện nay.

Với sự ra đi của hàng loạt những tên tuổi trước đó trong nội các, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis được xem là một trong những người có ảnh hưởng cuối cùng còn trụ lại bên cạnh Tổng thống Trump. Vậy nên, việc ông từ chức khiến không ít đồng minh của Mỹ quan ngại.

Hơn ai hết, ông Mattis là người hết sức chú trọng xây dựng quan hệ giữa Mỹ và châu Âu. Khi ông ra đi, Tổng thống Trump hoàn toàn có thể tự do theo đuổi bất cứ chính sách nào mà mình muốn liên quan tới châu Âu và các đối tác khác.

Trước mắt, quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của ông đang khiến các đồng minh quân sự của ông bối rối.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng cho rằng Tổng thống Trump sẽ là một đối tác vững chắc có lẽ đã phải thay đổi lại suy nghĩ. Giờ đây quốc gia của ông đang phải đối mặt với bối cảnh an ninh mới đầy biến động. Với việc Mỹ rút quân khỏi Syria, Iran và Nga sẽ giành lấy tầm ảnh hưởng ở quốc gia láng giềng của Tel Aviv.

Quyết định rút quân khỏi Syria và có thể tới đây là Afghanistan của ông Trump khiến đồng minh Mỹ lo ngại. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump nói rằng ông rút quân đội đang làm nhiệm vụ ở Syria về nước vì tổ chức khủng bố IS đã bị đánh bại. Nhưng thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, người vừa trở về sau chuyến đi tới Afghanistan gọi thông tin của ông Trump là “tin giả”.

Theo tờ Haaretz của Israel, IS đã mở một cuộc tấn công vào lực lượng người Kurd ở Đông Nam Syria sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ. Người Kurd, lực lượng đồng minh sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống IS nhiều năm qua đã bắt đầu nói về sự phản bội.

Khi các đồng minh còn chưa hết bàng hoàng khi biết quân đội Mỹ sắp rời Syria, Tổng thống Trump lại khiến tất cả trở tay không kịp khi lên kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan.

Ngoài Mỹ, còn nhiều nước châu Âu đang dàn quân ở quốc gia Nam Á này. Đức duy trì 1.200 quân, Italia có 900 binh sỹ. Giả sử Mỹ rút một nửa lực lượng quân đội của họ hiện ở mức 14.000, điều này sẽ thay đổi đáng kể tình hình của liên minh các đối tác với Mỹ tại chiến trường này.

Người Đức và Italia hoàn toàn có thể đặt ta câu hỏi rằng: Nếu Mỹ rời đi, tại sao họ phải ở lại?

Với nhiều người, quyết định rút quân của Tổng thống Trump biến Mỹ trở thành kẻ “bội bạc” khi bỏ rơi đồng minh. Họ cũng đặt nghi vấn về việc liệu Mỹ có “lật kèo”, bỏ qua cam kết với Điều 5 trong hiệp ước của NATO quy định phòng thủ tập thể sẽ được áp dụng nếu một quốc gia trong khối bị tấn công.

Theo Straitstimes, khi Tổng thống Trump gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 14/12, ông đã đột ngột đưa ra quyết định rút quân mà không hề tham vấn ý kiến của cố vấn an ninh John Bolton, chứ chưa nói tới các đồng minh của Mỹ.

Với Berlin, đây là một hành động không thân thiện nhắm trực tiếp vào các đối tác châu Âu truyền thống của Mỹ. “Liệu chúng ta còn có thể tin tưởng Mỹ” là câu hỏi đang được thảo luận nhiều nhất hiện nay trong giới chính trị Đức, theo Straitstimes.

Những quốc gia khác thì lo ngại rằng hôm nay ông Trump bỏ rơi người Kurd thì mai kia ông có thể sẵn sàng làm điều đó với họ.

Quyết định từ chức của ông Mattis càng làm sâu sắc thêm mối quan ngại này.

Trong lá thư từ chức, ông Mattis nhấn mạnh rằng Mỹ là quốc gia không thể thiếu trong thế giới tự do và Mỹ không thể bảo vệ lợi ích của mình hoặc phục vụ trong một vai trò nào đó một cách hiệu quả mà không duy trì các liên minh mạnh mẽ và thể hiện sự tôn trọng với các đồng minh.

Theo giới quan sát, sự tôn trọng này là những gì còn thiếu kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Trong một bài viết mới đây trên The New Yorker, cây viết Susan Glasser dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ rằng nhiều lãnh đạo châu Âu nói với bà họ tin Tổng thống Trump đang quyết tâm hủy hoại châu Âu.

Theo VTC

Các tin cũ hơn