|
Thi công tường vây và đường hầm tuyến Metro số 1 |
Dày 2m giảm còn 1,5m
Chiều 24/12, nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết Thanh tra TP.HCM vừa tiến hành thanh tra và có kết luận về thực hiện gói thầu CP1a (đoạn hầm ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố) thuộc dự án tuyến metro số 1. Kết luận Thanh tra đã chỉ ra trong quá trình thực hiện gói thầu CP1a, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (ĐSĐT) đã có những sai sót và vi phạm rất nghiêm trọng, như chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế kỹ thuật mà chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thiết kế.
“Thành phố đã yêu cầu Sở GTVT có ý kiến. Ban Quản lý ĐSĐT đã chỉ đạo nhà thầu thay đổi thiết kế mà chưa có sự đồng ý của UBND TP.HCM. Tường vây đường hầm thi công mỏng hơn so với thiết kế được duyệt. Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT báo cáo với UBND TP việc thay đổi thiết kế làm lợi cho thành phố nhưng thực tế là không lợi vì chỉnh sửa lại tốn kém nhiều hơn. Thiết kế do tư vấn nước ngoài lập, các bộ ngành có ý kiến. Ban tự điều chỉnh vì cứ nghĩ thẩm quyền là của chủ đầu tư, mãi sau này UBND TP.HCM mới biết”, nguồn tin cho hay.
Trao đổi qua điện thoại, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý ĐSĐT xác nhận Thanh tra TP.HCM đã có kết luận thanh tra về gói thầu CP1a và mới đây Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã kết luận. Ngày 20/12, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận chính thức về vụ việc này. Tuy nhiên, ông Quang không trả lời về những vi phạm trong quá trình thực hiện gói thầu quan trọng này.
Tối cùng ngày, trả lời PV, Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Tám xác nhận đường hầm metro số 1 từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố đã có sự thay đổi về thiết kế.
Cụ thể: Độ dày tường vây từ 2m bị giảm xuống còn 1,5m. Thay đổi này Thanh tra TP.HCM đã kết luận và Sở GTVT đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM. Ban Quản lý ĐSĐT đã làm không đúng trình tự thủ tục theo quy định.
Gói thầu số 1a do nhà thầu Liên danh Sumitomo Mitsui - Cienco4 thực hiện được khởi công vào ngày 17/11/2016, dự kiến thi công trong thời gian 48 tháng (hoàn thành cuối 2020).
Mất đoàn kết nội bộ?
Nguồn tin riêng của PV cho biết ông Hoàng Như Cương, Phó Ban Quản lý ĐSĐT đã làm đơn xin nghỉ việc ba lần vì “không hạp” với trưởng ban. Cuối tháng 11, trước khi ông Cương đi Mỹ, Trưởng ban Quản lý ĐSĐT Lê Nguyễn Minh Quang đã có văn bản yêu cầu ông Cương báo cáo lại toàn bộ công việc mà ông Cương được giao.
“Ông Cương có việc gia đình rất khó khăn ở bên Mỹ và xin nghỉ phép ra nước ngoài để giải quyết nhưng ông Quang không đồng ý, báo cáo cấp trên và UBND TP.HCM không cho đi. Việc này không sai vì ông Cương là cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý, đi nước ngoài phải được UBND TP.HCM cho phép. Do không đồng thuận nên có nói qua nói lại. UBND TP.HCM không đồng ý nhưng ông Cương vẫn đi vì đã hai lần có đơn xin nghỉ. Riêng lần thứ ba là đơn phương xin nghỉ, nếu cấp trên không cho thì ông Cương cũng nghỉ. Nói chung sự việc này có rất nhiều nội tình bên trong”, nguồn tin cho hay.
Nguồn tin này nói ông Cương có học vị thạc sỹ và nhiều kinh nghiệm về quản lý dự án, am hiểu thực tiễn. Trong khi đó, cách quản lý dự án của Ban Quản lý ĐSĐT vừa qua cứng nhắc, gây bức xúc cho cả nhà tài trợ, nhà thầu, giữa các bộ ngành và cả các sở ban ngành với Ban Quản lý ĐSĐT.
Vừa qua, Đại sứ Nhật Bản Umeda Kunio đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án tuyến metro số 1. Trong thư, Đại sứ Kunio cho biết hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11). Và, áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.
Ðội vốn hơn 200% Theo báo cáo về vay vốn ODA của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã bị đội vốn từ 17.388 tỷ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007 lên hơn 47.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh vốn đầu tư là do tăng khối lượng xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có các quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng cho đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư chủ yếu dựa trên suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang xây dựng tại châu Á nên không đạt được độ chính xác tin cậy dẫn tới phải điều chỉnh. Dự án được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm 88,4% tổng mức đầu tư với hơn 209,1 triệu yên, tương đương 41.833,6 tỷ đồng. Ðến nay, đại diện Chính phủ Việt Nam là Bộ Tài chính đã ký kết với nhà tài trợ 3 hiệp định vay với tổng số vốn đã ký kết là 155.364 triệu yên, tương đương 31.208 tỷ đồng. |
Theo Tiền Phong