Indonesia cảnh báo miệng núi lửa sụp đổ, gây sóng thần lớn

Thứ tư, 26/12/2018, 16:06
Nhà chức trách Indonesia cảnh báo người dân tránh xa các bờ biển gần nơi núi lửa Anak Krakatau đang phun trào.

Những ngôi nhà ven biển tại thị trấn Sumur, tỉnh Banten, Indonesia bị tàn phá sau thảm họa đêm 22/12. Ảnh: Reuters.

Cơ quan Khí tượng Indonesia (BMKG) hôm nay cảnh báo các hình thái thời tiết cực đoan quanh khu vực núi lửa Anak Krakatau đang phun trào có thể khiến miệng núi lửa càng dễ bị đổ sụp hơn, theo Reuters. Những đám mây tro bụi phun ra từ Anak Krakatau gần như đã che khuất toàn bộ đảo núi lửa.

Nhà chức trách cũng cảnh báo "sóng cao" có thể ập vào các bờ biển đã bị sóng thần tàn phá đêm 22/12. "Chúng tôi đã phát triển hệ thống giám sát tập trung đặc biệt vào các rung chấn núi lửa ở Anak Krakatau để có thể đưa ra cảnh báo sớm", giám đốc BMKG Dwikorita Karnawati cho biết.

Người dân được khuyến cáo tránh xa các khu vực bờ biển dễ bị sóng cao tấn công. Một vùng cấm kéo dài 2km cũng đã được thiết lập.

Một mảng lớn tương đương 90 sân bóng đá của sườn núi lửa Anak Krakatau trượt xuống đại dương đêm 22/12, gây ra đợt sóng thần cao 5m (trước đó có thông tin 3m) tấn công các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung thuộc eo biển Sunda, giữa đảo Java và Sumatra. Nhà chức trách xác nhận 429 người thiệt mạng, 154 người mất tích, hơn 1.400 người bị thương và hàng nghìn người phải sơ tán đến những nơi cao hơn.

Hàng nghìn người đang phải ở trong lều và nơi trú ẩn tạm bợ như nhà thờ Hồi giáo, trường học do nhà cửa đã bị phá hủy hoàn toàn. Họ phải ngủ trên sàn nhà hoặc các cơ sở công cộng đông đúc. "Tất cả mọi thứ đều bị phá hủy nhưng điều quan trọng là chúng tôi vẫn còn sống", ngư dân 20 tuổi Ayub chia sẻ.

Anak Krakatau (Con của Krakatao) là một trong 127 núi lửa hoạt động ở Indonesia, xuất hiện từ tàn tích của núi lửa Krakatoa và nổi lên khỏi mặt biển từ năm 1928. Núi cao khoảng 305m, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển phía Tây đảo Java 80km và bắt đầu hoạt động hồi tháng 6.

Theo VNE

Các tin cũ hơn