Quan chức Mỹ - Trung gặp nhau, đường có thể chia đôi ngả

Thứ hai, 07/01/2019, 10:47
Hôm nay, các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trực diện lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu giai đoạn đình chiến thương mại 90 ngày vào tháng trước.

Báo SCMP dẫn lời các nguồn tin cho biết, đợt đàm phán cấp làm việc lần này sẽ mang lại kết quả đáng kể, khi cả hai bên đều muốn cho đi và nhận lại, cũng như sẽ đánh giá xem những lời hứa ban đầu đã được thực hiện như thế nào.

Phó Đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ để gặp đoàn đại diện cấp thứ trưởng của Trung Quốc trong cuộc gặp kéo dài 2 ngày tại Bắc Kinh.

Một cố vấn về chính sách thương mại của chính phủ Trung Quốc nói rằng một thỏa thuận lớn có thể sẽ được thống nhất ở cấp cao hơn là Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

“Những cuộc gặp cấp thứ trưởng sẽ không giải quyết được mọi vấn đề nhưng cả hai phía mong muốn tận dụng cơ hội này để xem bên kia đòi hỏi gì và nhượng bộ gì, cũng như để thử khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại”, vị cố vấn giấu tên nói.

“Hai bên đã tiến gần đến mức tìm kiếm một giải pháp để giải quyết thâm hụt thương mại, và Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục giải quyết một số vấn đề cấu trúc trong nền kinh tế. Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi cạnh tranh định hướng thị trường, nhưng Mỹ cần thừa nhận rằng cần phải có thời gian...nếu không sẽ không có chỗ cho đàm phán”, vị cố vấn nói thêm.

Tạp chí Politico tại Mỹ vừa đưa tin các quan chức Mỹ sẽ xem xét kỹ lưỡng việc Trung Quốc có thực hiện những lời hứa trước đó hay không. Cuối năm 2018, các quan chức Trung Quốc đưa ra những đề xuất để giải quyết vấn đề trợ cấp của chính phủ, các hàng rào tiếp cận thị trường và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Những vấn đề đó và phản ứng gần đây của Mỹ dự kiến sẽ là trọng tâm của đợt đối thoại này.

“Nếu ông Gerrish thấy Trung Quốc nghiêm túc làm những việc khó, gắn thịt vào bộ xương của những cam kết mơ hồ và sẵn sàng làm việc với Mỹ trong thẩm định và thực thi, thì tôi nghĩ bạn sẽ thấy đàm phán tiến triển nhanh chóng”, một quan chức công nghiệp Mỹ nói với Politico. Nếu không, “tình thế sẽ càng khó khăn hơn”, quan chức đó nói.

Các nhà quan sát cho rằng cả hai bên cần giải quyết vấn đề khi chuyện thuế quan đã ảnh hưởng tồi tệ lên kinh tế, khiến các thị trường chứng khoán lao dốc và tạo thêm rủi ro suy thoái kinh tế ở Trung Quốc.

Nhưng kỳ nghỉ Tết âm lịch và kỳ họp Quốc hội thường niên vào tháng 3 tới đây khiến hai bên có rất ít thời gian để giải quyết tranh chấp.

GS Wang Yiwei, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, nói rằng trong đợt gặp này Trung Quốc dự kiến đưa ra những cam kết cụ thể về mở rộng tiếp cận thị trường, cải thiện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, nhưng sẽ mất thời gian để cải tổ các doanh nghiệp sở hữu nhà nước – một vấn đề gây căng thẳng khác cho quan hệ hai nước.

Ông Wang nói rằng lần này Mỹ có vẻ bớt gây náo loạn hơn. “Đã đến lúc cả hai nước vạch ra kế hoạch rõ ràng về những điều sẽ làm”, ông Wang nói.

Về phần mình, Trung Quốc đã nối lại việc mua đậu nành từ Mỹ, ngừng áp thuế trừng phạt lên ô tô nhập khẩu từ Mỹ và bớt nhấn mạnh chính sách công nghệ “Made in China 2025”. Bắc Kinh cũng đề xuất lệnh cấm rõ ràng hơn hoạt động chuyển giao công nghệ ép buộc trong dự thảo luật đầu tư nước ngoài mới.

Một cố vấn khác của chính phủ Trung Quốc cho biết nước này đang nỗ lực dập ngòi căng thẳng và tạo điều kiện để đạt được thỏa thuận lớn hơn với Mỹ trong nửa đầu năm nay, nhưng “Mỹ khó có khả năng sẽ dừng bao vây kế hoạch nâng cấp công nghệ của Trung Quốc”.

Ông Zha Daojiong, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Bắc Kinh, cho rằng cuộc đàm phán lần này có thể đi theo hai hướng.

“Một hướng là cuộc gặp lần này sẽ mở đường cho những cam kết sau này ở cấp cao hơn. Hướng khác là cả hai bên đều không chờ đợi nhiều ở cuộc gặp như vậy. Khả năng cao là hướng thứ hai sẽ xảy ra”, ông Zha nói.

Nhưng một số cựu quan chức chính phủ Mỹ cho rằng phái đoàn Mỹ lần này là một nhóm các nhà đàm phán nghiêm túc.

Ông Spencer Toubia, một cựu chuyên gia phân tích tại Bộ Thương mại Mỹ và nay là một luật sư về thương mại quốc tế tại hãng luật Crowell & Moring, nói rằng ông Gerrish là “nhà đàm phán mạnh và rắn”“Đại sứ Lighthizer rất tin tưởng”.

Cùng đi với Phó đại diện Gerrish sẽ có ông Gregg Doud, trưởng nhóm đàm phán về nông nghiệp của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ và là người xuất thân từ gia đình nông dân trồng đậu nành; thứ trưởng thương mại phụ trách thương mại quốc tế Gilbert Kaplan, và thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế của Bộ Tài chính David Malpass.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn