|
Một góc Sài Gòn yên bình |
Bởi thời gian gần đây nhiều tai nạn thảm khốc do các “xe điên” gây ra mà nạn nhân là người đi đường đang đứng chờ đèn đỏ.
Cách đây không lâu, vào tháng 10.2018 là tai nạn do nữ tài xế lái xe BMW tại ngã 4 Hàng Xanh làm 1 người chết, 7 người bị thương và nhiều vụ trước đó. Những cái chết không báo trước luôn rình rập người đi đường. Mà họ có thể là trẻ em, người già, phụ nữ mang thai… đang thi hành đúng luật giao thông.
Mật độ giao thông dày đặc, đường sá chật hẹp, xe cộ đông đúc... là nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông trên đường phố Sài Gòn |
Ở VN, nhất là các thành phố lớn, tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh bởi mật độ xe máy dày đặc, đường chật, các loại phương tiện nối đuôi nhau, chen lấn giành đường để “vượt mặt” nhau… Chỉ tính riêng mấy ngày lễ Tết Dương lịch vừa qua cũng có khoảng 111 người chết vì tai nạn giao thông. Đó là con số thống kê sơ bộ, còn con số thật có thể nhiều hơn. Mỗi năm số người chết vì tai nạn giao thông ở VN luôn là nỗi đau, sự ám ảnh... Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2018 là hơn 6.000 người, năm 2017 là khoảng 7.000. Ai cũng biết con số này chỉ là “bề nổi”!
Luật giao thông, công tác tuyên truyền an toàn giao thông, những biển cảnh báo vẫn được lắp đặt nhan nhãn ở các góc đường, ngã 4, giao lộ… nhưng dường như tai nạn giao thông vẫn chưa bao giờ “lặn” xuống mà luôn tăng lên như một thứ “dịch bệnh” không có thuốc chữa.
Để trông đợi vào ý thức của người tham gia giao thông cũng là chuyện “bất khả thi” bởi trong tầng tầng lớp lớp người trên phố có bao nhiêu người ý thức được tính mạng của mình và của người khác. Đó là chưa nói đến những thành phần “bất hảo” bị dẫn lối bởi ma men, ngáo đá và yếu tố “hên xui” như xe mất thắng, hư hỏng và cả buồn ngủ khi lái xe…
Tôi là một người mẹ, mỗi ngày luôn đưa đón con đi học. Ngồi sau xe tôi là một đứa trẻ. Cái cảm giác ám ảnh luôn “hằn” lên trong lúc lái xe. Bởi không chỉ là an toàn của bản thân mà còn có con của mình sau lưng. Tôi từng chứng kiến những chiếc xe buýt giành đường, tấp ẩu ngay sát đầu xe máy hay những người thiếu ý thức, đường đông người mà vẫn lạng lách, đánh võng, chạy nhanh khiến cho người đi cùng làn đường bị quẹt té xuống đường… Và tôi vẫn gọi những phương tiện ấy, những con người ấy là “hung thần” trên phố.
Đường phố Sài Gòn chật hẹp, mạng lưới giao thông rối rắm, việc xử phạt người vi phạm chưa nghiêm… Đó là những yếu tố khó thay đổi, còn để trông chờ vào ý thức của người tham gia giao thông thì lại càng khó hơn. Nên tốt nhất mỗi người nên tự bảo vệ mình mỗi khi ra đường, tuân thủ nghiêm ngặt luật giao thông. Tức nhiên khi nói đến tai nạn giao thông hay bất cứ tai nạn nào rơi vào trúng một người nào, người ta hay dùng chữ “cái số”, nhiều khi ở nhà cũng chết… Nhưng hãy hạn chế một cách tối đa để có được sự an toàn cho bản thân, người thân bằng chính ý thức của mình. Chỉ có mình “tự cứu” chính mình mà thôi.
Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Bến Lức, có rất nhiều clip dựng cảnh đến đèn đỏ giao thông là để xe máy ở đó rồi nhảy vào lề đứng chờ… Ai xem clip đó cũng bật cười vì có chút hài hước nhưng đó cũng thể hiện sự bất lực. Bởi tai hoạ không biết đến lúc nào và cái chết luôn treo lơ lửng mỗi khi lưu thông trên đường phố nên tốt nhất hãy “tự xử” để bảo vệ mình.
Theo Thanh Niên