|
Ông Thái Bá Y. |
"Những ngày này, điều duy nhất xâm chiếm tâm trí tôi là hình ảnh những người đồng đội đã hy sinh, rất nhiều người đã không có cơ hội chứng kiến đổi thay của Campuchia bây giờ", ông Thái Bá Y, một cựu binh quân tình nguyện Việt Nam, đang sống ở Siem Reap, chia sẻ với VnExpress.
Năm 1985, ở tuổi 23, chàng trai trẻ Thái Bá Y, quê Ninh Thuận viết đơn xin tham gia Quân y viện 7E, Mặt trận 49, Quân khu 7. Đây là một trong các đơn vị của quân tình nguyện Việt Nam, lên đường đến Campuchia trong chiến dịch phản công lực lượng Pol Pot. Ba mẹ đã mất, anh Y để lại hai em gái ở quê nhà để lên đường.
Chiến tranh biên giới Tây Nam chính thức mở đầu bằng sự kiện ngày 30/4/1977, khi quân Pol Pot dùng lực lượng cấp sư đoàn và lực lượng địa phương các tỉnh biên giới, bất ngờ đồng loạt tiến công xâm lược toàn tuyến biên giới của tỉnh An Giang. Pol Pot tập trung lực lượng mạnh, tổng số quân cao nhất lên đến 120.000 với nhiều loại vũ khí hiện đại trên tuyến biên giới giáp Việt Nam.
|
Chàng thanh niên Thái Bá Y ở Ninh Thuận năm 1985, trước khi lên đường sang Campuchia. |
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Pol Pot - Ieng Sary từng bước thao túng quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Campuchia. Sau 30/4/1975, Pol Pot - Ieng Sary công khai coi Việt Nam là "kẻ thù số một, kẻ thù truyền kiếp". Họ vừa tập trung phát triển lực lượng, vừa triển khai hàng loạt hoạt động gây hấn, thăm dò chiến tranh. Tình hình biên giới Tây Nam hết sức căng thẳng, chỉ tính từ tháng 4/1975 đến tháng 6/1977, Pol Pot đã xâm phạm biên giới Việt Nam trên 2.000 lần, gây tổn thất hơn 4.000 người. Sau khi đẩy lui Pol Pot về lãnh thổ Campuchia, quân đội Việt Nam đã điều quân sang để triệt phá tổ chức này.
Sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây Nam - Việt Nam của Pol Pot, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục và xây dựng đất nước.
"Chúng tôi phải kiêm hai nhiệm vụ, vừa chữa trị cho các thương binh, vừa phải trực tiếp chiến đấu để bảo vệ họ khi Pol Pot tấn công dữ dội", ông Y kể lại những tháng ngày cam go.
Những người lính Việt Nam thời điểm đó cũng san sẻ khó khăn về vật chất với người dân Campuchia, vì họ rất cực khổ dưới chế độ hà khắc của Pol Pot. Theo tiêu chuẩn, mỗi người lính có ba lạng gạo một ngày nhưng tất cả đều chia bớt một phần ba cho người dân. Thuốc men cũng là một mặt hàng quý giá mà quân tình nguyện Việt Nam cung cấp. Vì thế, người dân Campuchia có tình cảm đặc biệt, luôn hồ hởi khi gặp gỡ những người lính Việt Nam.
Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom Penh được giải phóng, tàn quân Khmer Đỏ chạy sang ẩn náu bên kia biên giới Thái Lan. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ dân tộc Campuchia truy quét Khmer Đỏ, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đất nước, Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia năm 1989. Lúc đó, ông Y cùng nhiều người lính khác đã quyết định ở lại Campuchia để xây dựng cuộc sống mới. Ông tự cảm thấy mình may mắn vì còn lành lặn và nguyên vẹn sau chiến tranh, thời điểm mà sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Sau hơn 30 năm ở Campuchia, ông Y đang có cuộc sống hạnh phúc với người vợ gốc Việt và ba con. Ông điều hành ba cơ sở của Bệnh viện quốc tế Mekong ở Siem Riep, Sihanouk Vill và Prey Veng.
Ông đánh giá hầu hết người dân Campuchia đều hiểu bản chất cuộc chiến biên giới Tây Nam - Việt Nam, rằng tổ chức Pol Pot bị các thế lực nước ngoài đứng sau thao túng. Những người Campuchia lớn tuổi, sống qua thời kỳ chiến tranh vẫn một lòng yêu quý Việt Nam, không quên ơn những người lính Việt Nam đã hy sinh tuổi thanh xuân và xương máu để giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Tuy nhiên, thế hệ trẻ ở Campuchia không biết nhiều về giai đoạn khốn khó đó. Ông Y cho rằng họ cần có thêm thời gian để tìm hiểu.
Về phía chính quyền, Campuchia tổ chức các sự kiện cho thấy sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam là một dấu mốc khó phai trên đất nước này. Hôm 3/1, ông Y đã đến tham dự lễ khởi công xây dựng Đài tưởng niệm hữu nghị ở tỉnh Siem Reap, một trong nhiều công trình trên khắp Campuchia. Nhiều tướng lĩnh của quân đội và quan chức Campuchia đã tham dự. Sự kiện diễn ra long trọng với lễ tụng kinh và cầu phước cho những người lính đã hy sinh.
Ông Y đánh giá tình hình chính trị Campuchia phức tạp vì có nhiều đảng phái, trong đó có một nhóm dùng người Việt làm lá bài chính trị, chống lại Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen. Sau cuộc bầu cử hồi tháng 8/2018, thắng lợi lớn của CPP giúp người dân Campuchia tin tưởng vào chính quyền và có thái độ tích cực với người Việt Nam.
"Những gì dân và quân Campuchia và Việt Nam trải qua chiến tranh là minh chứng cho thấy chúng ta dù là hai dân tộc khác nhau nhưng vẫn có thể giúp đỡ, hỗ trợ, hoà hợp và đoàn kết", ông Y nói.
Về việc Campuchia tăng cường siết chặt kiểm soát người nước ngoài, trong đó có người Việt, ông Y cho biết những người hiểu chính sách của nước này thì không phải lo lắng. Trong năm 2019, những người Việt đã có thẻ xanh (được cấp sau 6 năm đóng tổng cộng 180 USD) sẽ được chuyển sang thẻ vàng. Những người này được phép mua nhà và xe cộ. Sau đó, Bộ Nội vụ Campuchia sẽ phỏng vấn để xem xét cấp quốc tịch. Ông Y cũng nằm trong số đang chờ được xét quốc tịch và mong muốn được hưởng chính sách này.
Ông cũng trông đợi người Việt ở Campuchia được chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng bớt khó khăn. Là chủ sở hữu Bệnh viện quốc tế Mekong, ông Y tổ chức nhiều đợt tặng thẻ khám bệnh miễn phí cho người Việt ở các tỉnh và khu vực Biển Hồ, mong góp phần hỗ trợ bà con. Trong buổi gặp mặt những đồng đội cũ ở 4 tỉnh Siem Reap, Kampong Thom, Otdar Meanchay và Bantea Meanchay ngày 3/1, ông Y đã tặng thẻ khám bệnh miễn phí cho 30 cựu chiến binh.
"Tôi mong người dân và chính phủ hai nước duy trì tình hữu nghị, quan hệ tốt đẹp để cùng phát triển thịnh vượng", cựu chiến binh bày tỏ.
|
Ông Thái Bá Y, áo xanh, thứ hai từ phải qua, trong cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh Việt Nam tại Siem Reap hôm 3/1. |
Theo VNE