|
Một mật vụ Mỹ mang vũ khí canh gác bên ngoài Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Tanisha Keller, người mẹ đơn thân làm việc tại Cục Điều tra Dân số Liên bang Mỹ, thường phải trông chờ vào khoản tiền lương hàng tháng để trang trải mọi chi phí. Nhưng giờ đây, khi chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa từ ngày 22/12, cuộc sống của cô rơi vào tình trạng bấp bênh khi đứng trước nguy cơ không được nhận lương dù kỳ trả lương sắp tới, theo NYTimes.
Cô Keller, 42 tuổi, cùng khoảng 800.000 viên chức liên bang trên khắp nước Mỹ lẽ ra sẽ được nhận lương trong tuần này. Nhưng khi cuộc tranh cãi giữa Tổng thống Donald Trump và quốc hội Mỹ về ngân sách 5 tỷ USD xây tường biên giới với Mexico chưa ngã ngũ, họ sẽ không nhận được bất cứ đồng nào để thanh toán hóa đơn hay thẻ tín dụng đã chạm hạn mức tối đa.
Số dư trong tài khoản ngân hàng của Keller đã âm 169 USD. Cô không thể tiếp tục gửi khoản hỗ trợ 100 USD cho cậu con trai Daniel đang học đại học để mua sách và đồ dùng thiết yếu. Cô cũng không biết sẽ kiếm đâu ra 1.768 USD để trả tiền thuê tháng tới cho căn hộ ở Waldorf, phía Nam bang Maryland, hay trang trải các hóa đơn tự động khấu trừ vào tài khoản lương của mình như thế nào. Cô gần đây cũng quyết định không đi xe hơi nữa để tiết kiệm tiền xăng.
"Sẽ chẳng có sự nhân từ nào hết", cô nói. "Đến tháng 2, tiền thuê nhà của tôi sẽ quá hạn và tôi sẽ cần được giúp đỡ". Khi chính phủ đóng cửa, các viên chức liên bang Mỹ như Keller đã phải rút tiền tiết kiệm hoặc tận dụng tối đa thẻ tín dụng để trang trải cho các nhu cầu thiết yếu của mình.
Nhưng những khoản tiết kiệm hay hạn mức tín dụng đó đang dần cạn kiệt, trong khi Tổng thống Trump cảnh báo chính phủ Mỹ có thể tiếp tục đóng cửa trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nếu phe Dân chủ không chấp nhận bức tường biên giới 5 tỷ USD của ông. Tình cảnh này khiến hàng trăm nghìn viên chức từ thủ đô Washington tới chính quyền thị trấn hay các nhà tù xa xôi trở nên tuyệt vọng và giận dữ. Họ đang phải sống trong chế độ "sinh tồn thời đóng cửa", đó là mở thẻ tín dụng mới để thanh toán hóa đơn, vay mượn từ người quen và vét nốt những gì còn lại trong tủ thức ăn.
"Tôi còn phải nuôi con và trả tiền thuê nhà, nên đã tuyên bố với chủ nhà rằng nếu có bất cứ khoản tăng giá thuê nào, tôi sẽ phải chuyển đi", Joseph Gudge, kỹ sư điện 41 tuổi thuộc biên chế Cục Hàng không Dân dụng làm việc tại sân bay Seattle-Tacoma ở bang Washington, nói.
Nếu chính phủ Mỹ tiếp tục đóng cửa trong thời gian dài và tình trạng làm việc không lương tiếp diễn đến mức không thể chịu đựng được, Gudge tuyên bố sẽ phải nghỉ việc. "Hai tháng là giới hạn chịu đựng của tôi", anh nói. "Một số đồng nghiệp đã bắt đầu tính tới chuyện tìm việc khác".
|
Joseph Gudge (trái) đứng cùng vợ con bên ngoài căn nhà đi thuê ở bang Washington. Ảnh: NYTimes. |
Ở Orlando, Florida, sĩ quan quản giáo Joe Rojas đã bắt đầu đăng ký làm thêm cho Uber để góp phần thanh toán khoản tiền mua nhà trả góp 2.000 USD vào tháng tới. "Cuối tuần này, thời gian đáng lẽ dành cho gia đình sẽ được dùng để lái xe cho Uber", Rojas nói. "Chúng tôi chấp nhận những hiểm nguy của nghề quản giáo để đem lại bình yên cho xã hội, đổi lại là một khoản thu nhập đàng hoàng. Nhưng không ai đi làm để không được trả lương như thế này".
Số liệu của Liên đoàn Viên chức Chính phủ Mỹ đại diện cho 700.000 viên chức liên bang cho biết số tiền trung bình mà một viên chức có được mỗi tuần chỉ khoảng 500 USD, dù một số quan chức có thu nhập lên tới 6 con số mỗi năm. Những ác mộng tài chính tưởng như không bao giờ đến với họ như phí thấu chi, quá hạn trả góp, bị hạ điểm tín dụng giờ đây đang hiển hiện với nhiều người. Rất nhiều viên chức đã phải nộp đơn xin lĩnh trợ cấp thất nghiệp.
Shelly Carver, 57 tuổi, nhân viên Sở Thuế vụ ở Ogden, bang Utah, cho biết bà ngày càng lo ngại bởi không chỉ bà mà ba người con đang làm cho Sở này cũng đang phải nghỉ phép không lương. Tất cả họ lẽ ra sẽ nhận được lương vào ngày 14/1 hoặc 17/1 và cả 4 người đều sẽ gặp rắc rối lớn về tài chính nếu không được trả lương đúng hạn.
Bà Carver đang tính rút hết khoản tiết kiệm 5.000 USD của mình để giúp các con thanh toán hóa đơn. "Chúng chẳng có nguồn tài chính nào khác cả", bà cho biết. "Nếu tình trạng chính phủ đóng cửa tiếp diễn, tôi rồi cũng sẽ rơi vào tình cảnh như chúng".
Belkys Colon, 51 tuổi, nhân viên Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị Mỹ, lo sợ sẽ bị đuổi ra đường nếu không nhận được lương vào cuối tuần này để trả khoản tiền thuê nhà 1.400 USD. "Tôi lo rằng điều này sẽ tiếp diễn trong thời gian dài", bà nói. "Tôi chỉ có một mình, điều gì sẽ xảy ra với tôi đây? Ai có thể giúp tôi".
Trong những ngày này, Colon cố gắng thắt lưng buộc bụng tối đa có thể. Bà không mua đồ ăn tươi nào ngoài sữa và tận dụng những thực phẩm còn sót lại trong tủ, từ bánh mì, bột ngũ cốc, bánh quy đến đồ ăn đóng gói, những thứ "bình thường ít ai đụng đến". Dù vậy, bà cũng phải tính toán thật cẩn thận lượng thực phẩm còn lại để không rơi vào tình cảnh tuyệt vọng.
Với nữ quản giáo 44 tuổi Angela Tucker, lựa chọn còn khó khăn hơn. Bà đang phải dùng thuốc điều trị sau phẫu thuật cắt bỏ khối u ung thư vú và giờ đây buộc phải quyết định nên dùng tiền để mua thuốc hay mua đồ ăn và chăm sóc con cái.
"Ngân sách ít ỏi còn lại phải được dùng theo thứ tự ưu tiên, thứ nào có thể bỏ được, thứ nào có thể giãn ra và đâu là nhu cầu thiết yếu nhất", Tucker cho hay. "Tôi giờ chỉ dám đổ nửa bình xăng. Tôi chỉ hy vọng và cầu nguyện rằng phương cách này sẽ giúp tôi chống đỡ được".
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu bên ngoài Nhà Trắng hồi tháng 12/2018. Ảnh: AFP. |
Nếu được nhận lương vào thứ bảy tuần này, Matt Kampf, 49, lính cứu hỏa ở Montrose, Colorada, sẽ đóng tiền trả góp mua nhà, thanh toán tiền bảo hiểm, mua thực phẩm, những chi phí bình thường cho "cuộc sống kiểu giấc mơ Mỹ".
Nhưng thay vào đó, gia đình Kampf đang phải cắt giảm tối đa mọi chi phí. Họ phải hủy các kế hoạch du lịch, hủy đăng ký các dịch vụ giải trí tại nhà, hạn chế ra ngoài cuối tuần và thậm chí phải bán chiếc xe bán tải với giá 8.600 USD để thanh toán hóa đơn.
Như hàng trăm nghìn viên chức khác, Kampf khẳng định rất yêu công việc của mình và việc phụng sự cho xã hội, nhưng anh không dám chắc gia đình mình có thể chịu đựng được trong bao lâu nữa nếu tình trạng làm việc không lương tiếp diễn.
"Nỗi cay đắng là có thật", Kampf nói. "Nếu nó tiếp tục kéo dài đến hết tháng 1, tôi cũng không biết sẽ phải làm gì nữa". Trong khi đó, triển vọng mở cửa trở lại chính phủ Mỹ vẫn mờ mịt, khi Trump tuyên bố sẽ ban bố "tình trạng khẩn cấp" để xây tường biên giới, thay vì tìm cách thỏa hiệp với quốc hội để giúp hàng trăm nghìn viên chức được trả lương.
Theo VNE