Trong một hội nghị tại Bắc Kinh hôm 20/12/2018, Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng La Viện kêu gọi Trung Quốc phải thực hiện kế hoạch mạnh mẽ hơn để "tống" Mỹ ra khỏi Biển Đông và Biển Nhật Bản, bằng cách đánh chìm hai tàu sân bay của Mỹ, gây thương vong cho khoảng 10.000 người.
Theo ông La, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình chống hạm mới của Bắc Kinh hiện tại đủ khả năng đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Tướng Trung Quốc La Viện. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
“Những gì Mỹ lo sợ nhất là thương vong”, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học quân sự Trung Quốc nhấn mạnh. Ông La cho rằng việc đánh chìm một sân bay Mỹ sẽ khiến 5.000 người thiệt mạng và con số này cần phải tăng gấp đôi khi 'tiêu diệt' cùng lúc hai hàng không mẫu hạm của Mỹ.
“Chúng ta sẽ thấy Mỹ sợ hãi thế nào”, phó viện trưởng Viện khoa học quân sự Trung Quốc nói thêm.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia quân sự nhận định việc đánh chìm tàu sân bay Mỹ dường như là một nhiệm vụ rất khó thực hiện và nói thường vẫn dễ hơn làm. Lịch sử đã chứng minh điều đó.
Lần cuối cùng mà một tàu sân bay Mỹ bị kẻ địch đánh chìm là trong các cuộc chiến ở Thế chiến II. 12 tàu sân bay Mỹ chìm sau các đợt không kích dữ dội. Nạn nhân cuối cùng là USS Bismarck Sea bị Nhật Bản đánh chìm vào tháng 2/1945. Trong những thập kỷ sau đó, hàng không mẫu hạm của Mỹ có thể gặp đủ loại tai nạn từ va đâm cho tới hỏa hoạn nhưng chưa bao giờ chìm. Nguyên nhân đơn giản là bởi rất khó khuất phục một con tàu nổi dài hàng trăm mét, rộng hàng nghìn m2 được làm từ thép.
Năm 2005, hải quân Mỹ quyết định đánh chìm tàu sân bay USS America để đánh giá thiệt hại của các đợt tấn công nhằm vào tàu sân bay, phục vụ cho mục đích phát triển các hàng không mẫu hạm có khả năng sống sót cao trong chiến đấu.
Để đánh chìm con tàu, hải quân Mỹ đã tháo dỡ tất cả các hệ thống vũ khí trên tàu trước khi kéo nó tới khu vực ngoài khơi bờ biển Virginia. Trong nhiều ngày liên tiếp, Mỹ đã dùng tới mọi loại vũ khí từ tên lửa hành trình, ngư lôi cho tới bom để tấn công nhưng con tàu vẫn trụ vững sau 4 tuần. Cuối cùng, hải quân Mỹ đã phải cho nổ tung các khối chất nổ đặt ở các vị trí hiểm yếu để khuất phục hàng không mẫu hạm bị loại biên năm 1996.
Mỹ mất hơn 1 tháng để đánh chìm USS America. (Ảnh: Drive) |
Tháng 3/2015, trong một cuộc tập trận ở eo biển Hormuz, Iran đã dựng một tàu sân bay giả mô phỏng hàng không mẫu hạm của Mỹ và tấn công nó bằng tên lửa chống hạm, ngư lôi và cuộc đột kích của lực lượng biệt kích.
Mặc dù khá nhỏ và có phần mỏng manh so với một tàu sân bay Mỹ thực sự, nhưng con tàu giả này vẫn trụ vững sau liên tiếp những đòn tấn công ác liệt.
Theo cây viết David Axe của chuyên san National Interest, nếu muốn đánh chìm một tàu sân bay Mỹ trước hết phải đánh bại được nó. Đó không phải là điều đơn giản khi mà hàng không mẫu hạm Mỹ thường chứa hàng chục chiến đấu cơ trên boong và được một hạm đội tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu ngầm hùng hậu hộ tống với bán kính di chuyển xung quanh tàu sân bay lên tới hàng trăm km.
Tuy nhiên, theo ông Axe việc đánh chìm tàu sân bay Mỹ không phải là hoàn toàn bất khả thi trong bối cảnh Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đang tìm cách phát triển tàu ngầm, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình với tầm bắn xa và cực kỳ uy lực.
“Họ có thể triển khai nhiều hệ thống để gây nhầm lẫn và áp đảo các tuyến phòng thủ của Mỹ”, nhà sử học hải quân Mỹ Robert Farley phân tích, ông cũng chỉ ra rằng bất cứ nỗ lực triệt hạ tàu sân bay nào của Mỹ cũng sẽ ngốn một núi tiền của đối thủ chưa kể tới việc những kẻ tấn công sẽ vấp phải cuộc phản công dữ dội từ những tàu hộ tống.
“Bỏ qua vấn đề chi phí, việc mở một chiến dịch tấn công chống lại nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ chẳng khác nào một nhiệm vụ tự sát”, ông Farley cho hay.
Thêm vào đó, nếu nhìn vào cách Mỹ phản ứng sau vụ 11/9, chắc chắn rằng Washington sẽ ăn thua đủ với kẻ thù bằng cách triển khai tất cả các tiềm lực quân sự còn lại bao gồm 8 hoặc 9 tàu sân bay để đáp trả.
“Vì vậy có 2 câu hỏi đặt ra dành cho bất cứ ai nghĩ tới chuyện hạ gục những con tàu bằng thép khổng lồ này này là liệu anh có làm nổi và có đáng để anh làm như vậy hay không?”, cây viết Axe kết luận.
Theo VTC