Trung Quốc đưa tên lửa diệt hạm lên cao nguyên miền Tây với ý đồ gì?

Thứ sáu, 11/01/2019, 14:59
Quân đội Trung Quốc vừa huy động tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 đến cao nguyên và vùng sa mạc thuộc phía Tây Bắc nước này.

Tên lửa DF-26 tại cuộc diễu binh ở Bắc Kinh hồi tháng 9.2015

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 8.1 đưa tin DF-26 hiện nay có khả năng được huy động khắp Trung Quốc, nhưng không nói rõ tên lửa này được huy động đến khu vực nói trên khi nào.

DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới của Trung Quốc có khả năng tấn công các tàu cỡ trung và lớn trên biển. Loại tên lửa này có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân lẫn phi hạt nhân. DF-26 được cho là có tầm bắn từ 3.000-4.000km, có thể vươn tới đảo Guam của Mỹ.

Một chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định với Hoàn Cầu thời báo rằng tên lửa DF-26 được phóng từ bệ phóng di động nằm sâu trong đất liền sẽ khó bị đánh chặn.

Theo lời ông, trong giai đoạn đầu sau khi phóng, DF-26 bay tương đối thấp nên có thể dễ bị phát hiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn kế tiếp, tốc độ bay của DF-26 tăng lên đáng kể, giúp tên lửa giảm được nguy cơ bị đánh chặn.

Thời điểm CCTV đưa tin về đợt triển khai mới của DF-26 khiến các nhà quan sát quân sự Trung Quốc bàn luận xôn xao trên mạng vì thông tin được đưa ra một ngày sau khi khu trục hạm Mỹ USS McCambell đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đảo Cây, đảo Lin Côn và đảo Phú Lâm. Ba đảo này nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang ngược nói quân đội nước này đã điều tàu chiến và máy bay ra xua đuổi tàu Mỹ nhưng không xảy ra sự cố nào. Ông Lục còn lớn tiếng cho rằng tàu chiến Mỹ đã “vi phạm luật Trung Quốc và quốc tế” và ngang nhiên cầu Mỹ ngay lập tức chấm dứt những “hình thức khiêu khích” này.

Đến ngày 9.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng về việc tàu USS McCampbell của Mỹ vừa đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa. Theo đó, bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích