Bên cạnh các nguy cơ quân sự, an ninh và nguồn thủy hải sản trên Biển Đông còn đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi lực lượng tàu cá và cả tàu “dân quân” của Trung Quốc.

Thứ sáu, 11/01/2019, 08:41
Bên cạnh các nguy cơ quân sự, an ninh và nguồn thủy hải sản trên Biển Đông còn đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi lực lượng tàu cá và cả tàu “dân quân” của Trung Quốc.

Tàu cá” Trung Quốc ở khu vực bãi Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của VN

Ngày 10.1 (theo giờ VN), Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington D.C (Mỹ) tổ chức công bố dự án An ninh hải dương Stephenson nhằm lên tiếng bảo vệ nghề cá và môi trường của các vùng biển trên thế giới.

Tham dự buổi công bố có tiến sĩ John Hamre, Chủ tịch CSIS - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, và thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải. Cũng tại sự kiện này, ông Gregory B.Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc CSIS, đã có bài phản ánh thực trạng nguồn hải sản cũng như an ninh ổn định trên Biển Đông. Về vấn đề này, ông Poling đã có cuộc trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngay trước sự kiện ra mắt dự án An ninh hải dương Stephenson.

“Vỏ bọc” tàu cá

Một phần đáng kể “tàu cá” Trung Quốc tại khu vực này dường như mang nhiệm vụ “dân quân” hàng hải. Chúng tôi nhận ra điều đó vì cách hành xử không bình thường của các tàu cá Trung Quốc

Ông đánh giá thế nào về tình hình quản lý ngư nghiệp và hợp tác môi trường trên Biển Đông trong những năm qua?

Đây là vấn đề cấp bách nhất mà các bên tranh chấp trên Biển Đông phải đối mặt. Nếu tình trạng đánh bắt quá mức, hủy hoại môi trường tiếp tục đang diễn ra như hiện nay thì nguồn thủy sản ở vùng biển này sẽ sớm cạn kiệt trong vài năm tới. Ước tính, nguồn thủy sản tại đây đã giảm đến 70% trong 2 thập niên qua. Vì thế, nếu không sớm có biện pháp phù hợp, nguồn sinh kế của hàng triệu ngư dân ven Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một trong những biện pháp căn cơ là các bên liên quan cần sớm đạt thỏa thuận quản lý ngư nghiệp, mà không cần phải chờ đến khi đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Từ năm 2012 đến nay, tàu cá Trung Quốc thường xuyên có nhiều đợt “tràn” xuống Biển Đông với hàng chục ngàn tàu mỗi lượt. Cũng thời gian qua, rất nhiều tàu cá của ngư dân VN bị đâm phá trên Biển Đông bởi tàu Trung Quốc mà trong đó không ít tàu dân quân ngụy trang tàu cá do Trung Quốc triển khai. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

Nghiên cứu của chúng tôi đã kết luận rằng Trung Quốc đang có đội tàu cá lớn nhất ở khu vực quần đảo Trường Sa, áp đảo số lượng tàu cá VN, Philippines và Malaysia. Một phần đáng kể “tàu cá” Trung Quốc tại khu vực này dường như mang nhiệm vụ “dân quân” hàng hải. Chúng tôi nhận ra điều đó vì cách hành xử không bình thường của các tàu cá Trung Quốc. Thay vào đó, chúng ngụy trang như tàu cá nhưng chủ yếu quanh quẩn gần các thực thể mà Bắc Kinh đang chiếm đóng để thực hiện nhiệm vụ “canh phòng”.

Chẳng hạn như trong quá trình dùng vệ tinh theo dõi từ tháng 8 - 10.2018, chúng tôi phát hiện 200 - 300 “tàu cá” Trung Quốc dài hơn 50 m hoạt động quanh bãi đá Vành Khăn và rạn Xu Bi thuộc Trường Sa. Số tàu này chẳng mấy khi có hoạt động đánh bắt hải sản.

Thực tế, Bắc Kinh đã tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ để phát triển và nâng cấp lực lượng tàu “dân quân” này, gây nên những căng thẳng, nguy hiểm khó lường trên Biển Đông. Bởi lực lượng này rất đông và hoạt động thiếu lề lối, khó kiểm soát.

Quá nguy hiểm khi ngư dân được vũ trang

Vậy đâu là giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên?

Các nước Đông Nam Á và Trung Quốc cần sớm đạt được thỏa thuận về kiểm soát nghề cá, bên cạnh việc đàm phán giải quyết tranh chấp. Một phần trong các thỏa thuận phải là cách thức, thậm chí có thể trợ cấp tài chính chuyển đổi ngành nghề, để giải quyết tình trạng đánh bắt quá đà ở Biển Đông.

Đồng thời, Trung Quốc phải có nghĩa vụ ngăn chặn lực lượng tàu cá khổng lồ mà nước này triển khai đến Trường Sa. Thật quá nguy hiểm khi ngư dân lại được vũ trang và hoạt động như “vũ khí” của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn luôn bao biện rằng giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao. Số tàu này phải bị ngăn chặn hoàn toàn, vì nếu chúng không hoạt động công tác “dân quân” mà chuyển qua đánh bắt như ngư dân thì nguồn hải sản bị cạn kiệt. Số lượng tàu này nhiều đến mức có thể có tổng năng lực đánh bắt nhiều hơn tổng số tàu cá của các nước khác trong khu vực.

Cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, phải gia tăng áp lực ngoại giao để Trung Quốc phải thay đổi hành vi, tiến hành đàm phán nghiêm túc với các nước láng giềng. Mỹ cùng các nước khác cần cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và pháp lý để các quốc gia Đông Nam Á phát triển khả năng quản lý nghề cá ở vùng biển đang tranh chấp. 
Bên cạnh đó, Washington và nhiều bên khác cần nhận thức rõ rằng việc thực thi tự do hàng hải (FONOP) dựa trên luật pháp quốc tế là rất cần thiết để bảo vệ tự do hàng hải cho cộng đồng quốc tế, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên trên Biển Đông. Để làm được điều này, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ xây dựng và tăng cường năng lực hàng hải cho các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Gregory B.Polin

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn