Đây là một phần nỗ lực của Washington nhằm thuyết phục các đồng minh không cho Tập đoàn Huawei tham gia các dự án viễn thông tại nước mình.
Lo ngại các sản phẩm của Huawei có thể bị Bắc Kinh sử dụng cho các hoạt động gián điệp, ông Pence và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh sự nguy hiểm khi hợp tác với tập đoàn này trong những lần xuất hiện ở Ba Lan và các nước Trung Âu trong tuần này.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ở Warsaw, ông Pence khẳng định: "Chúng ta phải tiếp tục hợp tác để tất cả các cơ chế rà soát đầu tư bảo vệ an ninh và cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng trong tương lai".
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) bắt tay với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. (Ảnh: Reuters) |
Phản ứng trước tuyên bố của giới chức Mỹ về Huawei hôm 13-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng Washington đang sử dụng quyền lực quốc gia để ngăn các quyền và lợi ích phát triển hợp pháp của các công ty Trung Quốc.
Hồi tháng 1, Ba Lan đã bắt giữ một nhân viên của Huawei và một cựu quan chức an ninh Ba Lan bị dính cáo buộc gián điệp.
Các nguồn tin nói với hãng Reuters rằng chính phủ Ba Lan cũng đang xem xét loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi mạng 5G trong tương lai. Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghệ của Áo và Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel hôm 13-2 cho rằng cần có một thỏa thuận trên toàn Liên minh châu Âu (EU) về việc liệu Huawei có được phép tham gia thiết lập mạng 5G trong khối hay không.
Ủy ban Châu Âu cũng đang cân nhắc đưa ra lệnh cấm đối với thiết bị mạng 5G của Huawei do những lo ngại về an ninh.
Trong khi đó, các nguồn tin Mỹ cho biết Nhà Trắng đang chuẩn bị ban hành sắc lệnh, theo đó có thể cấm các công ty Trung Quốc bán thiết bị sử dụng trong các mạng viễn thông tương lai của Mỹ do lo ngại Bắc Kinh có khả năng khai thác công nghệ này để tiến hành xâm nhập mạng và gián điệp.
Các giới chức nắm thông tin cho biết dự thảo sắc lệnh hiện không nêu tên Trung Quốc hoặc bất kỳ công ty cụ thể nào. Tuy nhiên, mục tiêu chính của dự thảo sắc lệnh dự kiến được công bố trong vài ngày tới là Huawei.
Sắc lệnh này, nếu được đưa ra, sẽ không ảnh hưởng đến các công ty điện tử tiêu dùng Mỹ có sản phẩm kết hợp với các thành phần sản xuất từ Trung Quốc. Bước đi này chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng sắc lệnh được đề xuất không liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo NLĐ