Tổng thống Mỹ Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore tháng 6/2018. Ảnh: AFP. |
Tối 12/6/2018, các quan chức và nhân viên sân bay Singapore chuẩn bị cho chuyến bay rời khỏi Singapore của chỉ một khách VIP nhưng với hai thảm đỏ.
4 máy bay chở khách có mặt trong khu VIP của sân bay Changi: hai chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Trung Quốc Air China và hai chiếc Ilyushins của hãng Triều Tiên Air Koryo.
Không ai biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ lên máy bay nào để về nhà sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Trump. Cũng không ai biết ông sẽ rời đi lúc mấy giờ.
Cuối cùng, các nhân viên Singapore đã trải hai thảm đỏ, mỗi tấm dẫn đến một chiếc máy bay của Air China và cầu nguyện rằng ông sẽ lên một trong số chúng.
"Chúng tôi chỉ hy vọng và cầu nguyện rằng ông ấy sẽ không lên những chiếc máy bay khác. Đó là một vấn đề rất nhạy cảm, và thảm đỏ lên máy bay không dễ di chuyển", quan chức quản lý xuất nhập cảnh Reshma Nair nói.
Họ thở phào nhẹ nhõm khi ông Kim lên một trong hai chiếc được trải thảm và rời Singapore vào 23h30. Việc phái đoàn Triều Tiên luôn giữ kín lịch trình và các tình huống bất ngờ đã khiến nước chủ nhà vài lần "thót tim" khi đón tiếp các lãnh đạo và sắp xếp hội nghị, theo Straits Times.
Nhưng Singapore cuối cùng đã tổ chức sự kiện lịch sử thành công, tạo tiền đề để hai lãnh đạo dự kiến gặp nhau lần thứ hai tại Hà Nội vào cuối tháng này.
Singapore đã làm việc đó như thế nào?
Các quan chức Mỹ bắt đầu tiếp cận Singapore và bàn về khả năng nước này tổ chức thượng đỉnh Trump - Kim vào đầu tháng 5.
Nhưng khi đó "không có bất kỳ sự rõ ràng và chắc chắn nào, chúng tôi không thể chuẩn bị chỉ dựa trên tiềm năng", Bộ trưởng Nội vụ và Pháp luật K. Shanmugam nói.
Vào thời điểm đó, truyền thông đưa tin các quốc gia như Mông Cổ hay Thụy Sĩ cũng được cân nhắc.
Ngày 10/5, Trump thông báo trên Twitter rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Singapore vào ngày 12/6.
Tuy nhiên, ngày 24/5 Trump đột ngột gửi thư cho Kim Jong-un thông báo hủy cuộc gặp, sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là "gã đần chính trị". Nhưng chỉ hai ngày sau, ông tuyên bố sự kiện vẫn diễn ra theo kế hoạch ban đầu.
Singapore khi đó đã được các bên chính thức yêu cầu tổ chức sự kiện nhưng những tuyên bố đột ngột của Trump khiến họ bối rối. "Chúng tôi xóa bỏ mọi thứ rồi phải làm lại", Shanmugam nói.
Vấn đề có nhận lời tổ chức hay không đã được thảo luận ở cấp nội các. "Chúng tôi đồng ý rằng nên tổ chức vì cả hai bên đã gửi yêu cầu và sự kiện rất hữu ích cho tiến trình hòa bình", ông nói thêm. Đó là một quyết định được mọi người tán thành mặc dù nội các có tính toán đến mặt trái của vấn đề, ông Shanmugam cho biết nhưng không nói rõ đó là những yếu tố gì.
Công tác chuẩn bị được bắt đầu một cách nghiêm túc khi chỉ còn hơn hai tuần là đến ngày hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Nỗ lực được tiến hành bởi các nhóm liên bộ do Bộ Ngoại giao Singapore dẫn đầu. Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Truyền thông & Thông tin và Bộ Giao thông vận tải cũng đóng vai trò quan trọng.
Ít nhất 7.400 người đã tham gia nhiệm vụ, bao gồm 5.000 người từ Bộ Nội vụ, 2.000 người từ Lực lượng Vũ trang Singapore, hơn 300 cán bộ thông tin và 80 nhân viên từ Bộ Ngoại giao. Quy mô như vậy tương đương các cuộc họp Quỹ Tiền tệ Quốc tế - Ngân hàng Thế giới mà Singapore đã mất hơn 5 năm lên kế hoạch để tổ chức năm 2006.
Lần này, làm việc trong khung thời gian ngắn là "một nhiệm vụ dường như bất khả thi", Jimmy Toh, người chịu trách nhiệm bố trí trung tâm truyền thông để phục vụ hơn 2.500 nhà báo đưa tin về sự kiện, nhớ lại.
"Để tìm địa điểm, chúng tôi đã đi rất nhiều nơi, cứ như các nhân viên bất động sản vậy. Chúng tôi khám phá tất cả khách sạn, phòng hội nghị. Những địa điểm đủ lớn thì đã có sự kiện đặt trước. Những nơi có trang bị lý tưởng thì lại không đủ quy mô. Chúng tôi khá thất vọng khi đi tìm kiếm", ông Toh nói.
Cuối cùng, các quan chức nảy ra ý tưởng chuyển đổi tòa nhà F1 Pit, vốn dùng để phục vụ giải đua xe Công thức 1, thành trung tâm truyền thông. Phần lớn chi tiêu của Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, được cho là 5 triệu USD được đổ vào đây.
Trung tâm truyền thông dành cho các phóng viên tác nghiệp cuộc gặp Trump - Kim ở Singapore. Ảnh: Reuters. |
Sự hợp tác giữa các cơ quan cũng giúp đảm bảo các phái đoàn Mỹ và Triều Tiên nhập cảnh suôn sẻ, Insp Nair nói. Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, hải quan, cảnh sát và Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore để xử lý hàng trăm thị thực chỉ trong hai tuần.
Tuy nhiên, đến cận kề thời điểm tổ chức, Singapore vẫn đối mặt với sự không chắc chắn. Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu tin tưởng giữa Mỹ - Triều và tính chất nhạy cảm của cuộc họp: Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp một lãnh đạo Triều Tiên, hai nước về mặt lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh.
Mỹ đã có các quy tắc thiết lập sẵn nhưng với Triều Tiên, Singapore không có kinh nghiệm tiếp đón Kim Jong-un, Cục trưởng Cục lễ tân của Bộ Ngoại giao Singapore Ong Siew Gay cho biết.
Để đảm bảo không có hành động khiến Kim Jong-un phật lòng hay gây lo ngại về an ninh, ông Ong đã đề cập đến cả những chi tiết nhỏ nhất với đối tác Triều Tiên trong suốt chuyến thăm. Chẳng hạn, khi sắp xếp kế hoạch ông Kim sẽ ký tên lên sổ lưu niệm tại dinh Tổng thống Singapore trước cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 10/6/2018, Singapore đã gửi cho Triều Tiên xem bản nháp đề chức danh của ông Kim để chắn chắc rằng họ đã viết chuẩn xác.
Singapore cũng cố gắng miêu tả chính xác lễ ký kết tuyên bố chung sẽ diễn ra như thế nào cho Bình Nhưỡng, chẳng hạn như ngoài hai lãnh đạo thì còn ai khác có mặt. Họ đã phải bàn bạc 2-3 lần mới thống nhất được kế hoạch.
Ngôn ngữ cũng là một rào cản. Chỉ có một đại diện Triều Tiên nói tiếng Anh tốt được chỉ định để liên lạc với Ong và nhóm của ông.
Các nhân viên an ninh cũng gặp vấn đề tương tự. Terrence Lee, người phụ trách đội quét an ninh tại khách sạn Capella Singapore, nơi diễn ra hội nghị, kể lại rằng ông phải dùng ngôn ngữ cử chỉ để giao tiếp với đội Triều Tiên.
"Chúng tôi ra dấu bằng tay như 'OK' hay 'hãy tiếp tục đi nào", anh kể.
Lãnh đạo Triều Tiên thường lo ngại về nguy cơ bị ám sát. Các quan chức còn nghi ngờ rằng các máy ảnh của nhà báo đưa tin về sự kiện có thể là vũ khí ngụy trang, theo AP.
Kim Jong-un yêu cầu phóng viên không được chụp ảnh khi ông lên xe. Triều Tiên mang theo thức ăn riêng cho ông và yêu cầu được bố trí khu vực đặc biệt để đầu bếp chế biến.
Hầu hết lịch trình của ông Kim được giấu kín và chỉ được tiết lộ vào phút cuối, ngay cả với chính quyền Singapore.
Tối 12/6, một ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh, ông Kim đi tham quan những điểm đến nổi tiếng của Singapore như Marina Bay Sands, Gardens by the Bay và cầu Jubilee. Triều Tiên chỉ thông báo cho Singapore quyết định này trước vài giờ.
Cảnh sát và quân đội Singapore phải bảo đảm an ninh cho các điểm đến thăm và tuyến đường mà đoàn xe của ông đi qua. Họ cũng phải sử dụng các thiết bị quét an ninh để đảm bảo không có mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và chất nổ.
Về phía Mỹ, Trump là người khó đoán và thường đưa ra những quyết định đột ngột. Washington Post đưa tin rằng sau khi đến Singapore ngày 10/6, Trump cảm thấy buồn chán nên đã thúc giục các trợ lý đẩy cuộc họp sớm lên trước một ngày để nó diễn ra vào thứ hai, ngày 11/6.
"Chúng ta đều đang ở đây rồi", Tổng thống nói. "Sao không tiến hành luôn?".
Sự thiếu kiên nhẫn của Trump, cùng với một cuộc họp cấp quan chức căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vào ngày 10/6 khiến một số trợ lý lo sợ rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ đổ bể.
Cuối cùng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders đã thuyết phục Trump giữ kế hoạch ban đầu là họp vào ngày 12/6, với lý do Tổng thống và các phụ tá có thể sử dụng thời gian chờ đợi để chuẩn bị. Họ lập luận rằng truyền thông có thể gặp khó khăn khi đưa tin nếu chuyển sang họp vào thứ hai ở Singapore vì lúc đó sẽ là tối chủ nhật ở Mỹ.
Nhận xét về các hoạt động an ninh, ông Shanmugam nói: "Nếu chúng tôi không thể đảm bảo an toàn và an ninh cho Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Kim thì sẽ không có hội nghị thượng đỉnh".
"Họ tin rằng chúng tôi có thể đảm bảo an ninh nên mới gặp nhau ở đây, và tất nhiên chúng tôi đã chứng minh Singapore làm được".
Singapore được cả hai phái đoàn yêu cầu thể hiện sự ngang bằng trong cách đón tiếp hai bên. Ông Ong cho biết Triều Tiên đặc biệt nhấn mạnh điều này.
Vì vậy, từ việc sắp xếp đoàn xe, đón tiếp tại sân bay hay khách sạn hai lãnh đạo ở đều được Singapore sắp xếp tương đương nhau.
Chẳng hạn, khi biết phái đoàn Mỹ có khả năng ở lại khách sạn Shangri-La, Singapore đã cung cấp cho phía Triều Tiên danh sách những khách sạn tương xứng. Cuối cùng, Triều Tiên chọn ở khách sạn St Regis.
Cả hai lãnh đạo đều được Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan tiếp đón tại sân bay. Mỗi đoàn xe đều gồm khoảng 40 phương tiện, Singapore đã cung cấp một số xe bọc thép cho phái đoàn Triều Tiên.
Tuy nhiên, Singapore đã chi trả phí khách sạn cho phái đoàn Triều Tiên trong khi Mỹ tự trả khoản này. Tự trả chi phí là điều các nước thường làm đối với sự kiện song phương được tổ chức bởi bên thứ ba.
Chính quyền Singapore đối mặt một số chỉ trích vì vấn đề này. Nhưng ông Ong nói rằng việc Singapore đài thọ chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo nước ngoài không phải là việc bất thường.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore chi khoảng 15 triệu USD cho hội nghị thượng đỉnh. Đổi lại, công ty phân tích truyền thông Meltwater đánh giá Singapore có thể thu về 500 triệu USD nhờ tần suất xuất hiện trên truyền thông.
Ông Shanmugam cho biết bạn bè từ khắp nơi trên thế giới đã gửi email cho ông để tán dương vẻ đẹp của Singapore mà họ đã thấy trên TV và trên trang nhất của các tờ báo. Ông khẳng định việc tổ chức hội nghị làm tăng cơ hội phát triển kinh doanh và du lịch, đồng thời khẳng định vị thế của Singapore trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Lợi ích chính là chúng tôi đã hỗ trợ cho con đường đến hòa bình".
"Việc này phục vụ lợi ích của thế giới, khu vực và Singapore. Tôi không nghĩ bạn có thể tính toán được giá trị cụ thể".
Việt Nam dự kiến đón tiếp Trump và Kim Jong-un vào 27 - 28/2 và giới chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ tổ chức thành công sự kiện này vì đã có kinh nghiệm hai lần đăng cai Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Giáo sư Charles Armstrong, Đại học Columbia nhấn mạnh tại APEC năm 2017, lãnh đạo hầu hết các nền kinh tế đều tham dự, trong đó có Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
"Rõ ràng Việt Nam có khả năng đảm bảo các vấn đề hậu cần và an ninh cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều", ông Armstrong đánh giá.