Thế nhưng, sau khi cuộc thử nghiệm được gọi là "thu nhập cơ bản" này khép lại hồi cuối tháng trước, các kết quả công bố ban đầu cho thấy nó không tạo ra được những thay đổi đáng kể về tình trạng thất nghiệp.
Cuộc thử nghiệm bắt đầu từ tháng 1-2017 và chứng kiến 2.000 người Phần Lan - được chọn ngẫu nhiên từ những người thất nghiệp - trở thành những cư dân châu Âu đầu tiên được hưởng thu nhập cơ bản 560 euro/tháng (hơn 630 USD) do nhà nước chi trả mà không kèm điều kiện ràng buộc. Những người này vẫn nhận trợ cấp kể cả sau khi tìm được việc làm.
Theo kế hoạch ban đầu, nếu thử nghiệm thành công, chính phủ Phần Lan sẽ nhân rộng chương trình và trả lương cơ bản cho tất cả công dân thất nghiệp.
Thử nghiệm “thu nhập cơ bản” của Phần Lan không gặt hái được kết quả như kỳ vọng. Ảnh: EPA
Nhiều chính phủ khác trên thế giới theo dõi sát sao cuộc thử nghiệm của đất nước Bắc Âu vốn được Liên Hiệp Quốc đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới trong bảng xếp hạng năm 2018.
Nhiều ý kiến coi thu nhập cơ bản là cách khuyến khích người thất nghiệp ra ngoài kiếm việc làm mà không sợ mất trợ cấp. Nếu đạt được kế hoạch này, nhà nước sẽ bớt gánh nặng và chi phí phúc lợi được cắt giảm, đặc biệt là giữa lúc tự động hóa gia tăng đang khiến không ít người bị mất chỗ đứng trong lực lượng lao động.
Tuy nhiên, báo cáo sơ bộ công bố hôm 8-2 của Kela - Cơ quan an sinh xã hội của Phần Lan - cho thấy so với nhóm đối chứng (người nhận trợ cấp thất nghiệp theo kiểu truyền thống), những người hưởng thu nhập cơ bản của thử nghiệm chỉ làm việc nhiều hơn khoảng nửa ngày/năm, nghĩa là khoản thu nhập không có nhiều ý nghĩa trong cải thiện tỉ lệ thất nghiệp.
Điều đáng ghi nhận là những người tham gia thử nghiệm phản ánh họ cảm thấy hạnh phúc hơn và bớt căng thẳng hơn so với nhóm đối chứng, theo nhà nghiên cứu đứng đầu thử nghiệm Olli Kangas. Phải tới năm 2020, các nhà nghiên cứu mới đưa ra báo cáo chi tiết giúp giải đáp các kết quả thu được của chương trình thử nghiệm. Dù vậy, ngay từ khi thử nghiệm chưa hoàn thành, chính phủ Phần Lan đã quyết định không mở rộng chương trình cho toàn dân.
Theo NLĐ