|
Ảnh tư liệu |
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo
Thiếu tướng Hoàng Văn Toái, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng quân khu 2, nguyên Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang, một người lính từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ miền núi phía Bắc với cương vị Trung Đoàn trưởng.
Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra, đất nước ta đã trải qua 21 năm chiến tranh chống Mỹ xâm lược. Năm 1975, miền Nam được giải phóng, đúng 3 năm sau khi đất nước thống nhất, chúng ta lại tập trung bảo vệ biên giới Tây Nam.
Tướng Hoàng Văn Toái còn nhớ rõ, khi chiến tranh biên giới xảy ra vào ngày 17/2/1979 trên 6 tỉnh biên giới, vũ khí, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất của chúng ta lúc đó rất khó khăn và hạn chế. So với đối phương thì chúng ta rất thiếu, vậy chúng ta đánh trả bằng cách nào đây?
“Chúng ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tận dụng mọi loại vũ khí, trang bị chúng ta có tại địa phương ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Đồng thời nhà nước vận chuyển, điều động các loại vũ khí chúng ta thu được của Mỹ ở chiến trường miền Nam ra để tập trung cho miền núi phía Bắc.
Còn tại chỗ thì tận dụng phương tiện vũ khí kỹ thuật cũ để cải tiến cho phục vụ chiến đấu. Ví dụ pháo phòng không 100 li bắn phòng không trước đây, chúng ta đưa lên làm pháo bắn thẳng. Rồi pháo phòng không 37 li trước đây nhiều thì chúng ta đưa lên đồi cao để bắn thẳng, bắn mặt đất. Rồi lấy bom đạn của Mỹ cũ mà không nổ cải tiến thành bom, mìn để đánh phá giao thông”, ông Toái cho hay.
Tuy nhiên theo Thiếu tướng Hoàng Văn Toái, điều căn bản nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới này là ý chí và tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, không sợ hy sinh gian khổ của người chiến sĩ, của người lính ở ngay trận địa.
“Sau giải phóng miền Nam, quân đội tiến hành tổ chức cho ra quân rất lớn lực lượng đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đến năm 1979, khi Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên, có những đồng chí chưa kịp tìm hiểu người yêu, chưa kịp lấy vợ lại nhận lệnh ra chiến trường chiến đấu, và anh em lại hăng hái lên đường ra biên giới phía Bắc, thể hiện tinh thần chiến đấu và ý chí quật cường của cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là người lính trên chiến trường.
Cùng với đó là sự kết hợp với việc bố trí lực lượng phù hợp, rồi bố trí trận địa khéo léo trong trận địa phòng ngự. Dù lực lượng của chúng ta rất ít, chủ yếu là dân quân địa phương giai đoạn đầu, nhưng chúng ta khéo léo bố trí trận địa phòng ngự kết hợp với trận địa, tạo thành lực lượng lớn để tiêu diệt kẻ thù”, ông Toái kể.
|
Thiếu tướng Hoàng Văn Toái |
Nước mắt của vị tướng chỉ huy
4 năm làm Trung đoàn trưởng, 4 năm quyết liệt nhất của biên giới Vị Xuyên, ông còn nhớ rõ thời điểm năm 1984, quân Trung Quốc tiến hành đợt tấn công vào địa bàn biên giới Vị Xuyên. Ý đồ của chúng là tập trung hỏa lực bắn kéo dài đến gần một tháng trời. Ở Sư đoàn 313, chúng bắt đầu bắn từ ngày 2 đến ngày 27/4, với mưu đồ làm cho ta mệt mỏi rã rời, rồi sau đó mới đồng loạt dùng bộ binh để nhanh chóng đánh chiếm chốt của ta.
Trong gần một tháng pháo bắn liên tục, chúng ta vẫn kiên cường bám trụ, khi ngớt lại lên quan sát, cảnh giới, địch bắn ta lại xuống hầm. Cho đến 28/4, chúng đồng loạt, ồ ạt tổ chức tấn công trên toàn tuyến từ Thanh Đức, sang Thanh Thủy rồi Minh Tân nhằm đánh chiếm điểm tựa của ta. Nhưng với ý chí kiên cường của người lính, “một tấc không đi, một ly không rời”, anh em đã kiên cường chiến đấu giằng co với địch, kéo dài đến tận ngày 30/4.
“Lực lượng ta lúc đó thương vong một ít, nhiều đồng chí hy sinh tại chỗ. Có một chuyện, trong những ngày này, ở Sư đoàn 313 có tổ đài pháo binh nằm trên điểm cao 1509. Lúc đó địch đã đến rồi, thấy vậy, anh em gọi trực tiếp cho trận địa “cứ bắn thẳng vào đầu tôi đi”. Thời khắc ấy, anh em dưới trận địa cũng biết địch đã vào rồi...”, nói đến đây, Thiếu tướng Hoàng Văn Toái nghẹn ngào xúc động, không kìm được nước mắt.
Khi thấy lực lượng không cân sức giữa ta và địch, ngày 30/4/1984, lực lượng ở các cao điểm buộc phải lui về tổ chức lại tuyến phòng ngự ở phía Nam suối Thanh Thủy, để không cho địch qua suối Thanh Thủy.
“Nói như vậy để thấy rằng, vũ khí, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất của chúng ta còn khó khăn và hạn chế so với đối phương. Nhưng với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, đoàn kết một lòng, lực lượng vũ trang nói chung và các đơn vị chiến đấu trong giai đoạn đó nói riêng đã quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân. Do đó, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông Toái chia sẻ.
Theo Tiền Phong