Khúc tráng ca bất tử 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019) - Pháo thép Đồng Đăng: Khúc tráng ca bất hủ

Thứ hai, 18/02/2019, 09:43
“Trong số hơn 100 người dân và chiến sĩ, chỉ có sáu người sống sót thoát ra được sau đó, còn lại đều chết ngay trong lòng pháo đài”. Thời khắc bi tráng đó sau này được anh hùng Nông Văn Pheo, chiến sĩ đại đội 5 C5 (Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn), một trong số sáu người sống sót kể lại.

Giành giật từng mét đất

Trò chuyện với chúng tôi, Nông Văn Pheo (SN 1957, dân tộc Nùng, quê ở xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, xuân này ông dành nhiều thời gian thăm bạn bè anh em ở quê. Từ khi tham gia binh nghiệp ít có thời gian tâm sự, nay với hàm Đại tá, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng (BP) tỉnh Lạng Sơn mới được nghỉ hưu, ông thấy tinh thần phấn chấn.

Anh hùng Nông Văn Pheo kể chuyện chiến đấu.

Trong không khí cả nước có các hoạt động tri ân những người giữ đất nhân 40 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc thì trận đánh mở màn ở pháo đài Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) như cuộn phim quay chậm đưa ông trở lại những ngày tháng bi hùng.

“Sau năm 2000, người dân Đồng Đăng mới có điều kiện khai quật pháo đài. Hơn 30 bộ hài cốt được tìm thấy ở tầng hầm đầu tiên. Đến nay vẫn chưa ai tiếp cận được tầng hầm thứ 3, nơi ước tính còn hàng trăm hài cốt nằm lại”.

Ông Lưu Văn Khoa (nguyên Bí thư Đảng bộ thị trấn Đồng Đăng)

Rạng sáng 17/2/1979, quân Trung Quốc bắn pháo từ bên kia biên giới vào Việt Nam. Pháo đài Đồng Đăng là một trong những điểm đầu tiên Trung Quốc đánh đòn phủ đầu với đạn pháo, xe tăng, lính tráng ào ạt xông vào trận địa của ta.

“Một số cán bộ, chiến sỹ BP, bộ đội và một số nhân dân mắc kẹt không kịp sơ tán chạy vào pháo đài, tổ chức lực lượng đánh trả. Lúc này, vũ khí của ta khá thô sơ, chỉ có AK, CKC và một ít súng đại liên, B40”. Ông Pheo kể lại.

Tầm gần trưa, có 5, 6 chiếc xe tăng Trung Quốc hướng tới phía Tây pháo đài. Đại đội trưởng Trần Hà Bắc trực tiếp chỉ huy và ra lệnh cho hai chiến sỹ trẻ Nguyễn Trường Bảy và Đỗ Văn Dưỡng chi viện cho lực lượng bắn xe tăng địch.

Đối phương gọi pháo, súng cối nã như “vãi thóc” lên khu vực pháo đài. Một số cán bộ, chiến sỹ của ta đã hy sinh, trong khi đạn dược lại cạn kiệt nên lực lượng phải rút vào cố thủ ở tầng 1.

Cuộc chiến giữ chốt, tranh giành nhau với địch từng mét đất diễn ra từ ngày 17 đến chiều 21/2/1979 với 20 đợt tấn công lớn nhỏ của đối phương. Lực lượng của ta trong pháo đài chỉ còn hơn chục chiến sỹ cầm súng chiến đấu, số còn lại hy sinh và bị thương. Dân chúng địa phương, người già, trẻ nhỏ kiệt sức. Mệnh lệnh được phát ra, người khỏe bế tử thi, dìu thương binh, người sức khỏe yếu xuống tầng hầm thứ hai, thứ ba.

Đối phương chỉ dám bắn súng từ cửa hang. “Dã man hơn, khi kêu gọi đầu hàng không được, bọn chúng ném lựu đạn hơi cay, hơi thuốc độc, đổ xăng rồi phụt súng phun lửa vào trong pháo đài”. Ông Pheo thuật lại.

“Tôi nằm dán lưng xuống nền hầm lạnh tê thịt, buốt xương rồi bỗng cựa mình nằm nghiêng sườn giữ cho tim khỏi lạnh cứng, ngừng đập, tay chân rời rã như muốn lìa khỏi thân. Hai hàm răng đau nhức bởi nhai mì sống, gạo sống, khát nước khô họng, đói lả, mềm người đi... Nhưng tôi tự nhủ: Phải nghĩ cách sống, phải thức để duy trì sự sống...”. Nông Văn Pheo viết trong nhật ký đời mình.

Theo ông Pheo, trong lúc nguy khốn nhất là lúc con người trỗi dậy sức mạnh tự thân. Bọn địch tưởng mọi người đã chết nên dùng bộc phá đánh sập cửa hang pháo đài. Đêm xuống. Những người còn sống cố lần xuống những ngách hang thật sâu để thở, cố hà hít hơi đất chắt lọc sự sống.

Sống sót thần kỳ cuối đường hầm

Lúc này, anh em nằm trong hang nắm chặt tay nhau, thề: “Không thể đầu hàng và chết dễ dàng như vậy”. Trời tối đen như mực, khoảng chục anh em còn khỏe tìm pin ở các máy thông tin liên lạc, tháo ra lắp vào. Ai đã reo lên khi may mắn tìm thấy một lưỡi cuốc bằng bàn tay, han gỉ nhưng lõi sắt còn cứng.

“Thế là tôi xung phong cầm lưỡi cuốc đi vào một ngách pháo đài, tìm hướng lỗ thông hơi, người thứ hai, thứ ba đằng sau cào đất ra, cứ thế vừa đào, vừa bới. Ai mệt, kiệt sức thì lui ra sau nằm nghỉ, sau đó lại thay nhau tiếp tục đào bới. Mọi người dồn hết sức lực hy vọng sẽ đào được lỗ thông ra sườn núi pháo đài. Một số anh em thương binh không trụ được đã trút hơi thở cuối cùng. Trước khi mất, họ ngước nhìn về phía xa xa như chỉ đường sống cho người ở lại. Lúc này, 8 anh em lính tráng còn sức lực thay phiên nhau đào, cào bới đất. Những bàn tay tóe máu. Càng về sâu, không khí càng lạnh và xuất hiện một vũng nước đọng cuối đường hầm. Thế là có cái uống đỡ cơn khát cháy cổ”. Ông Pheo kể lại.

Pháo đài Đồng Đăng.

Vào lúc gần nửa đêm bước sang ngày thứ năm (ngày 22/2), Pheo cùng anh em vẫn miệt mài đào bới. Rạng sáng thì Pheo đào trúng một cục đá lớn cùng một rễ cây. Thế là mọi người reo lên khe khẽ, ôm nhau khóc...

Pheo reo lên: “Sao sáng anh em ơi”. Một không khí man mát và khi các bàn tay cùng hợp sức đẩy những thớ đất cuối cùng thì hiện rõ một vùng trời qua kẽ nhỏ. Pheo bỗng nói nhỏ: “Trườn lên nhanh. Không được nói to, địch phục kích bên trên đấy”.

Một chiến sỹ tên Tranh là người đầu tiên trườn lên mặt đất, ngó nghiêng tứ phía rồi nói không có ai cả. Người trước kéo người sau, tổng số 6 người thoát khỏi pháo đài và chạy tản ra các hướng đề phòng địch phục kích.

“Tôi dìu đồng chí Hùng (người cùng đơn vị) chạy về một hướng. Bụng đói cồn cào, Hùng rên khe khẽ vì vết thương ở tay sưng tấy. Xung quanh có bụi chuối đã bị trâu ăn dở, tôi dùng tay móc nõn cây chuối để cả hai đều ăn cầm hơi.

Ăn xong khi đi một đoạn đồi thì lọt vào một ổ phục kích của đối phương. Bọn chúng nổ súng, tôi và Hùng chạy vào núi đá và lạc nhau từ đấy. Còn mình tôi vẫn lăm lăm cầm quả lựu đạn, liều chết khi bọn địch tới gần. Nghĩ vậy, tôi chạy thục mạng về phía Tây Nam, mạn phía Điềm He- cầu  Khánh Khê thì gặp một toán quân màu xanh nói tiếng Việt Nam. Tôi mừng rỡ hỏi nhỏ: “Các đồng chí mình phải không?”. “Phải”. Có tiếng trả lời và những người lính mang quân hàm đỏ chạy đến đỡ tôi dậy trước khi khụy ngã xuống đất. Tôi đã thoát chết và trở về với đồng đội kể từ giây phút đó”, ông Nông Văn Pheo nghẹn ngào nói.

Sừng sững chiến công

Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, chúng tôi được người dân khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng hướng dẫn trở lại thăm pháo đài Đồng Đăng.

Theo lời kể của dân, pháo đài do thực dân Pháp xây dựng trước năm 1945, chiếm giữ vị trí trọng yếu nhất, là cứ điểm vô cùng kiên cố nhờ hệ thống hầm xây chìm xuống lòng núi, trên đỉnh là những lô cốt kiên cố với lỗ châu mai chĩa về 4 hướng. Khi có biến, pháo đài có thể thành nơi trú ẩn của hàng trăm người.

Ông Lưu Văn Khoa (nguyên Bí thư Đảng bộ thị trấn Đồng Đăng) cho biết, trước cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, pháo đài được giao cho đại đội C1 thuộc Phòng cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Lạng Sơn. Khi đối phương bắt đầu tấn công Đồng Đăng, đơn vị này với quân số 200 chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu giữ lô cốt trong một tuần và ngăn chặn địch tiến về thị xã Lạng Sơn, góp phần phá vỡ kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của đối phương. “Chiến tranh kết thúc, đơn vị C1 và cả 6 chiến sĩ còn sống đều được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang”. Ông Khoa nói.

Tết đến, xuân về, trên mạn đồi sát pháo đài sừng sững hiên ngang xuất hiện những cành lê, cành mận trắng muốt, rung rinh trong nắng xuân. Không ai bảo ai, chúng tôi bỗng cầm tay nhau thật chặt, tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ vô vàn...

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn