Trung Quốc hậm hực với Anh về Biển Đông

Thứ hai, 18/02/2019, 09:26
Anh quyết định hủy chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond sau những tuyên bố từ giới chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh

Bloomberg ngày 17.2 đưa tin Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond quyết định hủy chuyến công du Trung Quốc như dự kiến sau khi đại sứ quán nước này tại London chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson. Theo kế hoạch ban đầu, ông Hammond sẽ đến Bắc Kinh để thảo luận kế hoạch kết nối thị trường chứng khoán giữa hai nước cũng như xác định thời điểm tổ chức cuộc Đối thoại kinh tế - tài chính song phương bị trì hoãn lâu nay. “Bộ trưởng sẽ không đến Trung Quốc vào thời điểm này và chuyến thăm sẽ được lên lịch sau”, một quan chức Bộ Tài chính cho hay.

Quyết định của Bộ Tài chính được đưa ra sau khi Đại sứ quán Trung Quốc ở London chỉ trích Bộ trưởng Quốc phòng Anh Williamson “có những tuyên bố mang não trạng Chiến tranh lạnh”. Trước đó, ông Williamson hồi giữa tuần công bố chiến lược an ninh - quốc phòng mới với điểm nhấn là kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến những khu vực mà Trung Quốc áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Tờ The Independent dẫn lời ông cho biết thêm các phi đội chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Anh và Mỹ sẽ được triển khai trên hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth trong chuyến hải hành đến Biển Đông nhưng vị bộ trưởng này không nêu thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, ông khẳng định đã đến lúc Anh phải thể hiện “quyền lực cứng” để bảo vệ các lợi ích trên thế giới và xây dựng lại vị thế có thể đảm nhiệm vai trò được mong đợi trên trường quốc tế.

Chiến lược mới được đưa ra trong bối cảnh hải quân Anh bắt đầu có nhiều động thái thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Tháng 8.2018, tàu đổ bộ tấn công HMS Albion thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa của VN nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Đến tháng 1.2019, tàu hộ vệ tên lửa HMS Argyll có cuộc tập trận chung kéo dài 6 ngày trên Biển Đông với khu trục hạm Mỹ USS McCampbell.

Cũng trong hôm qua, tờ South China Morning Post dẫn báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay chỉ trong 2 tháng đầu năm 2019, Mỹ đã triển khai 2 chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Hồi tháng 1, sau cuộc tập trận nói trên với tàu chiến Anh, tàu USS McCampbell đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo Cây, Lin Côn và Phú Lâm thuộc Hoàng Sa. Sau đó, đến lượt 2 khu trục hạm USS Spruance và USS Preble hôm 11.2 đi vào vùng 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo.

Anh sẽ điều tàu sân bay đến Thái Bình Dương thách thức Trung Quốc

Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ có chiều hướng đẩy mạnh hoạt động FONOP tại Biển Đông trong năm 2019. Hải quân nước này chỉ thực hiện 5 sứ mệnh tương tự trong năm ngoái và 4 trong năm 2017. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện mới đây, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Philip Davidson cũng nhấn mạnh Mỹ và đồng minh, bao gồm Anh, sẽ tích cực thực thi FONOP trong thời gian tới để ứng phó việc Trung Quốc sử dụng các công cụ “gieo rắc sợ hãi và ép buộc” đối với láng giềng, theo bài phát biểu đăng trên website của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn