Tới hội đàm với Chủ tịch Kim, Tổng thống Trump nhận "tin dữ" ở quê nhà

Thứ tư, 27/02/2019, 10:41
Hôm qua (26/02), Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật để ngăn chặn Tuyên bố khẩn cấp tại biên giới phía Nam của Tổng thống Donald Trump, đánh dấu một sự kiện chưa từng có tiền lệ, đó là Quốc hội thách thức quyền ban bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống.

Dự thảo nghị quyết đã được thông qua dễ dàng tại Hạ viện hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, với tỷ lệ 245 phiếu thuận và 182 phiếu chống. Chỉ có 13 Hạ nghị sỹ Cộng hòa tham gia cùng các Hạ nghị sỹ Dân chủ bỏ phiếu thuận để khiển trách hành động của Tổng thống Donald Trump. Đây được xem là thành công của các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa trong việc cố gắng hạn chế thành viên đảng mình từ bỏ hàng ngũ và quay sang ủng hộ phe Dân chủ.

Trong khi đó, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Joaquin Castro, đại diện cho cử tri bang Texas và là người bảo trợ dự thảo nghị quyết cho rằng, văn kiện chỉ dài một trang sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump, theo đó ngăn chặn Chính quyền mở rộng việc xây bức tường biên giới giữa Mỹ với Mexico bằng cách sử dụng khoản ngân sách đã được chuẩn chi cho các chương trình khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNN)

Trước đó cùng ngày, Phó Tổng thống Mike Pence đã tận dụng bữa ăn trưa với các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Tòa nhà Quốc hội để cố gắng thuyết phục các nghị sỹ chống lại dự thảo nghị quyết do đảng Dân chủ khởi xướng. Phó Tổng thống Pence đã viện dẫn về một cuộc khủng hoảng nguy hiểm ở biên giới phía Nam, song không có dấu hiệu nào cho thấy ông đã thành công.

Phát biểu với các phóng viên, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell thừa nhận, tại thời điểm này, cá nhân ông không thể gây cản trở cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra trong ba tuần tới. Thậm chí, ông McConnell còn nói rằng đảng Cộng hòa vẫn không chắc về tính hợp pháp liên quan tới tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump và thừa nhận rằng các nghị sỹ trong đảng đang cân nhắc về điều đó.

Trường hợp dự thảo nghị quyết này được thông qua tại Thượng viện sẽ buộc Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên phải sử dụng tới quyền phủ quyết và cũng gần như chắc chắn Quốc hội Mỹ sẽ không nhận đủ đa số phiếu ủng hộ cần thiết để phản bác quyền phủ quyết của ông Donald Trump.

Cuộc bỏ phiếu vừa diễn ra tại Hạ viện đánh dấu lần đầu tiên Quốc hội Mỹ có hành động chính thức để ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống, kể từ khi quyền lực này được tạo ra trong Đạo luật khẩn cấp quốc gia năm 1976.

Theo VTC

Các tin cũ hơn