|
Cử tri Trần Viết Hoàn (Ba Đình, Hà Nội) |
Sáng 4/5, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 đã có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm. Buổi tiếp xúc cử tri này có các đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội; đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sớm bình phục
Gửi gắm tình cảm tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) cho biết, người dân đã rất lo lắng trước thông tin về sức khỏe của ông. Nhưng rồi người dân lại thấy mừng khi vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời cử tri Cần Thơ là sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã ổn định.
“Người dân mong đồng chí sớm bình phục. Người dân cũng thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối trong việc chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng đang được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quyết liệt chỉ đạo”, ông Hoàn nêu.
Nói về công tác cán bộ, cử tri Hà Nội băn khoăn trước thực trạng nảy sinh nhiều thứ chạy, hết chạy chức, chạy quyền, đến chạy tội, chạy huân chương… Rồi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn chỉ thêm một thứ chạy khác là chạy phiếu bầu.
Bên cạnh đó, cử tri cũng lo ngại trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nếu chỉ nhắm vào tiêu chí tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đề, còn trí tuệ lại chỉ được xếp cuối cùng và chỉ mang yếu tố tham khảo. Từ đó sinh ra chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm.
Hướng tới Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng tìm được người đủ đức, đủ tài, không mắc căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, có thể gánh vác được công việc cho Đảng, cho nước và cho dân. Người dân mong Đảng rút ra được bài học đau xót từ khóa 12 khi để lọt vào bộ máy một số cán bộ cấp cao có nhiều vi phạm, trong đó có cả Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương, nhiều tướng lĩnh…
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Công Bắc (phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc xử lý cán bộ vi phạm thời gian qua thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, dư luận cũng mong muốn làm triệt để, công khai và nghiêm minh hơn nữa, và điều quan trọng là phải thu hồi được tài sản.
Cùng với đó, cử tri cũng lưu ý đến quy trình bổ nhiệm cán bộ, loại trừ mầm mống tham nhũng, lợi ích nhóm, củng cố niềm tin cho nhân dân vào công cuộc phòng chống tham nhũng.
Cho thôi làm ĐBQH ông Lê Đình Nhường
Trước đó, đại biểu Nguyễn Hồng Thái cho biết, kỳ họp thứ 7 tới, Quốc hội sẽ xem xét quyết định một số nội dung quan trọng, thông qua 7 dự án luật và 2 nghị quyết. Đồng thời, Quốc hội sẽ nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Lê Đình Nhường thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.
Báo cáo kết quả kiến nghị cử tri, đại biểu Trần Thị Phương Hoa cho biết, cử tri phản ánh hiện nay học sinh đỗ đại học quá dễ dàng, dẫn đến chất lượng đào tạo không đạt được hiệu quả. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phương án phân tầng, chỉ để tỷ lệ 30-35% được đào tạo đại học, số còn lại đào tạo nghề.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải, kinh nghiệm ở nước ngoài, việc phân luồng cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực, không có một tỷ lệ nhất định, nhưng hệ thống các cơ sở đào tạo thì phải có sự phân loại nhằm vào yêu cầu nhân lực ở từng cấp độ khác nhau.
Về vấn đề pháp luật, cử tri đề nghị Quốc hội khi xây dựng các điều, khoản trong luật nên có biện pháp chế tài nặng, tăng cường tính nghiêm minh, tính răn đe, xử lý kịp thời đúng mức đối với những hành vi sai phạm (làm hàng giả, chống người thi hành công vụ, mua bán sử dụng chất ma túy…).
Vấn đề trên, Ủy ban pháp luật Quốc hội cho biết, mức độ vi phạm của từng hành vi vi phạm mà cử tri nêu ra đã được các cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc trong quá trình xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, tại các phiên thảo luận ở tổ, tại hội trường, nhiều ý kiến của đại biểu thảo luận kỹ các hành vi phạm tội, trên cơ sở đó đưa ra các chế tài tương ứng đảm bảo đủ sức răn đe và trừng trị. Các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; mọi hậu quả do vi phạm pháp luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Tiền Phong