Dự thảo Luật Lao động sửa đổi: Tăng tuổi hưu, nhiều vấn đề mới còn tranh cãi

Thứ bảy, 04/05/2019, 11:07
Tăng tuổi nghỉ hưu, quyền được lập và tham gia các tổ chức đại diện người lao động (LÐ) ngoài tổ chức Công đoàn, tăng giờ làm thêm, giảm nghỉ Tết, tăng nghỉ lễ… là những thay đổi chính trong Dự thảo Bộ Luật LÐ sửa đổi (Dự luật) vừa được Bộ LÐ-TB&XH trình Chính phủ.

Theo kế hoạch, Dự thảo luật sửa đổi này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2019 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2019.

Tuổi hưu, giờ làm tăng, nghỉ lễ bớt

Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo luật là đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo 2 phương án từ năm 2021. Cụ thể, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 3 tháng, 55 tuổi 4 tháng với nữ; sau đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Hoặc, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam, 55 tuổi 6 tháng với nữ; sau đó, mỗi năm tăng thêm 4 tháng với nam và 6 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Trường hợp đặc biệt, LÐ được nghỉ sớm hơn hoặc muộn hơn so với quy định trên, nhưng không quá 5 năm. Bộ LÐ-TB&XH chọn phương án 1, vì lộ trình tăng chậm sẽ tránh “sốc” cho thị trường LÐ và có thời gian để đánh giá tác động khi áp dụng.

Với giờ làm thêm (tăng ca), Bộ LÐ-TB&XH đề xuất giữ khung giờ làm thêm tối đa mỗi năm không quá 200 giờ, chỉ tăng với trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm hiện hành lên 400 giờ/năm. Doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm phải được sự đồng ý của người LÐ và cơ quan nhà nước; tổng giờ làm chính thức và giờ làm thêm không quá 12 tiếng mỗi ngày. Lao động làm thêm ngày thường được trả lương ít nhất bằng: 150% tiền lương tiêu chuẩn; bằng 200% nếu làm vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% nếu làm trong ngày nghỉ lễ, tết.

Theo đơn vị soạn thảo, đề xuất này tối ưu, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của việc làm thêm giờ đến lao động và đã xét đến nhu cầu của doanh nghiệp, sức khoẻ của LÐ, tác động giới. Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ được để lao động làm thêm vượt khung với một số ngành nghề đặc biệt như may mặc, dày gia, chế biến, chế tạo, lắp ráp…

Dự luật cũng có quy định mới về chế độ nghỉ Tết âm lịch và bổ sung 1 ngày nghỉ lễ trong năm (nghỉ Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7). Theo đó, dịp Tết âm lịch lao động được nghỉ 5 ngày, nếu trùng vào ngày nghỉ hằng tuần sẽ không được nghỉ bù giống như luật hiện hành. Tuy vậy, đơn vị soạn thảo vẫn nghiêng về phương án giữ quy định hiện hành (nếu ngày nghỉ dịp lễ, tết trùng với ngày nghỉ hằng tuần sẽ được nghỉ bù).

Bộ LÐ-TB&XH cũng thống nhất với đề xuất về thời gian làm việc trong ngày của công chức, viên chức, người LÐ trong các tổ chức chính trị - xã hội từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút. Lý do đưa ra đề xuất này là hiện tại, mỗi cơ quan có thời gian làm việc trong ngày khác nhau, (cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8h, còn địa phương bắt đầu lúc 7h (mùa hè) và 7h30’ (mùa đông).

Vẫn nhiều băn khoăn

Thực tế, dù Luật LÐ hiện hành quy định rõ về thời giờ làm thêm tính theo ngày, tuần, tháng, năm nhưng vẫn không ít doanh nghiệp vi phạm và nhiều kiến nghị đã được gửi tới Bộ LÐ-TB&XH sửa đổi điều này.Trước đó, khi Thanh tra Bộ LÐ-TB&XH thanh tra 2 nhà máy Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên năm 2017, cả 2 nhà máy này đều có tình trạng vi phạm về thời gian làm việc. Trong đó, giờ làm thêm tối đa mỗi tuần, mỗi tháng của công nhân đều vượt mức quy định. Sai phạm này cũng được thanh tra phát hiện tại một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực gia công, sản xuất, lắp ráp hàng xuất khẩu.

Khi giải trình với Thanh tra Bộ LÐ-TB&XH, lãnh đạo Samsung Việt Nam thừa nhận có vi phạm về thời giờ làm thêm. Theo doanh nghiệp này, vào thời gian cao điểm để đáp ứng đơn hàng, Samsung không thể tránh khỏi việc yêu cầu công nhân làm thêm vượt quá thời gian cho phép theo quy định. Dù vậy, công nhân cũng thích làm tăng ca, vì thu nhập sẽ cao hơn.

Khảo sát thực tế cũng cho thấy, với một số lĩnh vực, mức lương giờ làm chính thức của công nhân chỉ bằng hoặc cao hơn 1 chút so với lương tối thiểu vùng. Tức chỉ bình quân 3-5 triệu đồng/tháng. Do đó, để có thu nhập cao hơn, LÐ buộc phải tăng ca. Những năm qua, không ít lần Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… gửi kiến nghị tới Bộ LÐ-TB&XH về thời giờ làm thêm. Các hiệp hội này cho rằng, hiện tại giờ làm thêm của Việt Nam thấp hơn các nước phát triển và các nước trong khu vực, nên kiến nghị tăng.

Trao đổi với PV, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Vũ Quang Thọ cho rằng, về phía người LÐ không ai muốn tăng ca. Tuy nhiên, do mức lương cơ bản còn thấp nên bắt buộc phải tăng ca. “Nhiều LÐ khi còn trẻ thường ít quan tâm tới sức khoẻ, chỉ cố gắng để tăng thu nhập, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, nên có điều kiện là họ sẵn sàng tăng ca”, ông Thọ nói.

Theo vị này, nên quy định giờ làm thêm ở các văn bản dưới luật, để điều chỉnh theo từng thời kỳ. Ðặc biệt, cần quy định rõ việc tăng ca phải được người LÐ đồng thuận, với các chế tài mạnh để ngăn chặn doanh nghiệp ép LÐ tăng ca. Ngoài ra, hiện tại một số lĩnh vực doanh nghiệp đã tăng ca nhiều như dệt may, da giày, điện tử… Theo ông Thọ, không nên cho tăng thêm giờ làm (trong khi Bộ LÐ-TB&XH lại đề xuất cho tăng thêm giờ làm với những lĩnh vực này).

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết, tăng ca là nhu cầu thực tế của người LÐ và doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải người LÐ nào cũng muốn và đủ sức khoẻ để tăng ca, nên cần có quy định để nếu tăng ca phải được người LÐ đồng ý. Ðồng thời, mức lương tăng ca cũng cần được nâng cao để hạn chế doanh nghiệp tăng ca quá mức. Với tổ chức đại diện người LÐ (ngoài Công đoàn), theo ông Phòng, cũng là yêu cầu cần thiết của LÐ và phù hợp xu thế hội nhập, để bảo vệ quyền và lợi ích LÐ tốt hơn, cũng để Công đoàn hiện nay thay đổi cho hiệu quả hơn.

THÊM TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG NHƯ CÔNG ĐOÀN

Dự thảo Luật LÐ sửa đổi cũng bổ sung quy định về Tổ chức đại diện của người LÐ tại cơ sở (ngoài tổ chức Công đoàn). Bộ LÐ-TB&XH nhìn nhận, đây là vấn đề mới, có nhiều nội dung sửa đổi để thực hiện cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã ký. Do đó, Dự luật đã bổ sung các quy định như: Quyền của LÐ trong thành lập, gia nhập tổ chức đại diện; Ðiều kiện đối với ban lãnh đạo và người đứng đầu tổ chức; Tôn chỉ, mục đích và điều lệ của tổ chức.

Theo đó, Tổ chức đại điện của người LÐ tại cơ sở có thể là Công đoàn (hoạt động theo Luật Công đoàn), hoặc tổ chức khác hoạt động theo Bộ Luật này. Dù hoạt động theo luật nào, 2 tổ chức này bình đẳng trong bảo vệ lợi ích đoàn viên (như đối thoại tập thể, giải quyết tranh chấp LÐ, lãnh đạo đình công...).

Tuy nhiên, tổ chức này không được hoạt động với tư cách là tổ chức có mục đích chính trị. Lãnh đạo tổ chức đại diện này phải đảm bảo các điều kiện: Không phải là những người đang trong thời gian thi hành án hoặc chưa được xoá án do phạm tội: Xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự. Chính phủ quy định chi tiết về một số quy định của tổ chức này.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn