|
Chú rể và cô dâu trong một đám cưới. (Ảnh: HSToday). |
"Nếu các cáo buộc trong vụ kết hôn giả ở Houston là đúng, tôi rất lo lắng", luật sư David Nguyen, Văn phòng luật sư David Nguyen, bang Texas, Mỹ chia sẻ với VnExpress. Ông nhắc đến việc nhà chức trách Mỹ hôm 13/5 triệt phá đường dây chuyên tổ chức kết hôn giả cho người nước ngoài nhằm định cư ở nước này.
Nghi phạm đứng đầu đường dây này là Ashley Yen Nguyen, một người gốc Việt 53 tuổi. Đường dây hoạt động từ tháng 8/2013 với mức phí 50.000 - 70.000 USD mỗi người để được thu xếp kết hôn giả với một người vợ hoặc chồng "hờ" tại Mỹ. Đường dây có tổng cộng 96 nghi phạm bị cáo buộc 206 tội danh, khoảng 50 người trong số đó đã bị bắt, một nửa là công dân Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp.
Nguyen Le Thien Trang, 45 tuổi, một luật sư gốc Việt ở Texas, cũng bị truy tố với cáo buộc cung cấp giấy tờ giả mạo cho ít nhất một cuộc hôn nhân và tuyển dụng các công dân Mỹ tham gia vào đường dây.
Theo luật sư David Nguyen, ông lo ngại các tổ chức chống nhập cư ở Mỹ và các chính trị gia có thể "tận dụng" sự việc này để ngăn cản, khiến những người xin nhập cư chính đáng gặp khó khăn hơn, thậm chí nhà chức trách Mỹ có thể tìm cách tăng thuế nhập cư để chi trả cho quá trình điều tra các trường hợp kết hôn giả. Bên cạnh đó, người nước ngoài ở Mỹ có thể phải chờ đợi lâu hơn để có được thẻ xanh.
Khi luật sư Nguyen Le Thien Trang bị cảnh sát Mỹ coi là một nghi phạm, bất cứ người nào từng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của bà này đều có thể bị mở lại hồ sơ để kiểm tra xem có bất cứ gian lận nào hay không.
"Điều này không công bằng với các khách hàng không liên quan đến sự việc mới bị phát hiện ở thành phố Houston", David Nguyen nói. Ông cho hay luật sư Trang chưa bị kết tội vì đang trong quá trình điều tra. Bà được tại ngoại sau khi đóng 100.000 USD tiền bảo lãnh, theo truyền thông Mỹ.
Theo Đạo luật nhập cư và quốc tịch Mỹ (INA), những người liên quan đến đường dây kết hôn giả sẽ phải đối diện án tù 5 năm và mức phạt lên đến 250.000 USD. Thêm nữa, họ cũng bị xem xét các tội danh khác như gian lận visa, chứa chấp người nước ngoài, đưa ra những tuyên bố sai, gian lận qua thư, cản trở công lý. "Điều này có nghĩa là án tù và tiền phạt của một nghi phạm có thể tăng lên đáng kể nếu họ bị áp thêm các tội danh khác", David Nguyen nói.
Với công dân Việt đã có thẻ xanh ở Mỹ, ngoài mức phạt nói trên, họ sẽ bị mất địa vị pháp lý hiện có, không còn là công dân Mỹ hoặc quyền cư trú hợp pháp dài hạn. Những người vi phạm sẽ bị xem xét trục xuất và khả năng cao là bị đưa trở lại quê nhà. Ngay cả khi kết hôn hợp pháp với công dân Mỹ trong tương lai, những người này cũng sẽ không được cư trú dài hạn ở Mỹ.
Nếu đang ở Mỹ, những người này cũng bị mất các quyền lợi liên quan như xin tị nạn, Chương trình hoãn hành động đối với người nhập cư trái phép lúc còn nhỏ (DACA), Tình trạng được bảo vệ tạm thời (Temporary Protected Status - TPS). Nếu không ở Mỹ, người liên quan đến đường dây kết hôn giả sẽ không thể xin các loại visa dành cho khách du lịch (B2), sinh viên (F-1) hay nhà đầu tư (EB-5).
"Hành động gian lận bị phát giác sẽ được lưu vĩnh viễn trong hồ sơ của người vi phạm", David Nguyen cho hay.
Với những người được hưởng các lợi ích thông qua người liên quan đến kết hôn giả như con cái, bố mẹ hay anh chị em của người vi phạm, họ sẽ bị mất địa vị pháp lý, tức là sẽ mất thẻ xanh hoặc quyền nhập cư vào Mỹ.
Đại diện Phòng Công tố quận Nam Texas xác nhận với PV rằng nếu một người không phải là công dân Mỹ phạm vào tội danh liên bang, họ có thể bị xem xét trục xuất sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Quan chức này cho hay người nào có âm mưu hoặc thực hiện hành vi gian lận qua thư, giả mạo giấy tờ (mà có người làm chứng, có người là nạn nhân hoặc có người báo tin cho nhà chức trách), có thể bị kết án lên đến 20 năm tù. Nếu bị phán quyết là âm mưu hay sắp xếp các trường hợp kết hôn giả, người vi phạm phải chịu mức án tù 5 năm. Các tội danh khác trong đường dây kết hôn giả ở thành phố Houston có mức án cao nhất là 10 năm tù.
Theo VNE