|
Lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ của Trung Quốc giảm 10,4 tỷ USD, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 11, tính đến hồi tháng 3 là 1,12 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, động thái này đã đưa vị thế của Trung Quốc sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm, theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố hôm thứ Tư.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, chiếm 28% tổng số nợ công của Mỹ trong các chủ sở hữu nước ngoài. Động thái cắt giảm này được nhiều ý kiến nhận định rằng đây là một "lựa chọn hạt nhân" trong tình trạng các cuộc đàm phán thương mại đang có diễn biến xấu đi. Hồi năm ngoái, thị trường trái phiếu đã bị "khuấy đảo" khi giới chức Trung Quốc khuyến nghị giảm tốc độ hoặc ngừng mua trái phiếu Mỹ.
|
Số liệu này được công bố sau khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc rơi vào tình trạng bế tắc - điều khiến thị trường tài chính hoảng loạn và tạo bóng đen bao trùm nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, cả hai bên đều "tung đòn" bằng các mức thuế quan đáp trả nhau. Xung đột thương mại leo thang đã dấy lên những suy đoán rằng Trung Quốc có thể sử dụng những công cụ khác như sử dụng đòn bẩy, ví dụ như bán tháo tài sản của Mỹ - dù phương án này thường bị loại hoặc là điều không thể.
Lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ của các quốc gia khác đã giảm liên tiếp trong 9 tháng, tính đến tháng 3 xuống còn 17,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2006. Nhật Bản hiện vẫn là chủ nợ lớn thứ 2, với 1,08 nghìn tỷ USD tính đến tháng 3, tăng so với con số trong tháng 2 là 1,07 nghìn tỷ USD.
Dù Trung Quốc cắt giảm, nhưng lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng lên mức cao kỷ lục là 6,47 nghìn tỷ USD, khối ngoại mua vào 88 tỷ USD trong tháng 3 - tháng cao nhất kể từ tháng 9/2011. Đà tăng này cũng trùng với thời điểm lợi suất trái phiếu Mỹ hồi phục. Trước đó, hồi tháng 3, lợi suất trái phiếu 10 năm chạm mức thấp nhất năm 2019, ở mức 2,34%.
Theo Tri Thức Trẻ