Mỹ giải mã "Kimskander" Triều Tiên: có thể vượt qua hệ thống phòng thủ

Thứ năm, 16/05/2019, 15:26
Giới chức Mỹ cho biết tên lửa mà CHDCND Triều Tiên vừa phóng thử dường như là bản sao của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander do Nga chế tạo nên có thể tránh được hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Triều Tiên thử tên lửa ngày 9.5

Theo tờ Los Angeles Times ngày 16.5, Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ thử tên lửa tại căn cứ Sino-ri nằm ở miền Tây Bắc nước này trong các ngày 4 và 5.9.

Hình ảnh cho thấy tên lửa này gần giống với tên lửa tầm ngắn Iskander của Nga, xét ở góc độ nhiên liệu rắn và 4 cánh lái ở đuôi để điều chỉnh hướng bay. Sự tương đồng giữa hai tên lửa nhiều đến mức một số chuyên gia vũ khí gọi tên lửa của Triều Tiên là “Kimskander”.

Giới chức Mỹ nói rằng tên lửa mới của Triều Tiên có quỹ đạo bay thấp và được hệ thống định vị toàn cầu Glonass dẫn đường nên các hệ thống phòng không của Mỹ tại Hàn Quốc khó có thể đánh chặn.

Tên lửa Triều Tiên cũng khó có thể bị phá hủy trên bộ vì nó dựa vào một bệ phóng di động mang hai tên lửa và có thể cơ động. Vũ khí mới của Triều Tiên cũng có khả năng tấn công và phá hủy mục tiêu đối phương chính xác hơn kho tên lửa Scud cũ kỹ.

“Đây là một loại tên lửa được thiết kế để lẩn tránh các biện pháp phòng thủ”, một quan chức cấp cao của Mỹ nhận định.

Tên lửa Iskander

Một phiên bản mới của hệ thống phòng thủ tên lửa đánh chặn Patriot ở Hàn Quốc có thể tấn công tên lửa Triều Tiên giữa chuyến bay. Nhưng nếu Bình Nhưỡng bắn nhiều tên lửa cùng một lúc, chúng có thể áp đảo hệ thống Patriot, một quan chức Mỹ nói.

Quỹ đạo cũng có thể giúp tên lửa Triều Tiên tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được Mỹ triển khai ở Hàn Quốc nhằm chống lại tên lửa tầm trung và tầm xa của Bình Nhưỡng.

Trong các vụ thử gần đây, tên lửa Triều Tiên không bao giờ vượt quá độ cao khoảng 50km, theo thông báo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc. Điều đó có nghĩa là tên lửa đã bay quá cao so với mọi tên lửa đánh chặn Patriot (trần bắn cao nhất là 24km) và quá thấp để bị THAAD bắn hạ, theo các chuyên gia.
Các vụ phóng thử của Triều Tiên dường như nhằm tăng áp lực lên Nhà Trắng để nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 2 tại Hà Nội mà không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích