Chơi thuế "vỗ mặt" Trung Quốc, ông Trump sắp trắng tay?

Thứ tư, 15/05/2019, 15:04
Tổng thống Mỹ Donald Trump được tin đang áp dụng học thuyết sai lầm với châu Á, đặc biệt khi thổi bùng cuộc chiến thuế với Trung Quốc.

Trong một bài viết mới đăng tải trên trang Asia Times, nhà phân tích Richard A. Bitzinger cho rằng chiến lược an ninh quốc gia "nước Mỹ đầu tiên" của ông Trump đang đe dọa hủy hoại 70 năm xây dựng liên minh trong khu vực châu Á cũng như dẫn đến sự đối đầu với Trung Quốc trong những năm tới đây.

Trump và giấc mơ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ông Trump từ lâu đã có thái độ "khó chịu" với Trung Quốc. Ông luôn tỏ ra phẫn nộ với tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ trước Trung Quốc, nạn ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, việc phá giá hàng hóa, sự thao túng tiền lệ và các chính sách công nghiệp "bóc lột và thiếu công bằng" của Bắc Kinh. Sự oán giận đã có từ nhiều thập niên qua và điểm khác biệt duy nhất là Trung Quốc đã thay thế Nhật trở thành chủ điểm công kích của ông Trump mỗi khi đề cập đến sự bất công bằng thương mại.

Tuy nhiên, khi lên nắm quyền tổng thống, quan điểm của ông Trump về châu Á ban đầu dường như là sự tiếp nối chính sách của nhiều chính quyền Mỹ tiền nhiệm, kể cả của cựu Tổng thống Barack Obama. Phát biểu của ông Trump về "giấc mơ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", một khu vực "tự do và cởi mở" tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 nghe rất giống sự tái cam kết duy trì các mục tiêu truyền thống của Mỹ về hòa bình, phát triển và dân chủ trong khu vực.

Đồng thời, chính quyền của ông Trump dường như cũng tiếp tục các chỉ trích và chống đối những quốc gia đang đe dọa hiện trạng khu vực. Ông Trump đã chỉ đích danh Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ. Mặc dù không phải là tổng thống đầu tiên coi Trung Quốc là đối thủ địa chính trị ngày càng nguy hiểm nhưng ông Trump chắc chắn là lãnh đạo Nhà Trắng thống nhất và lớn tiếng nhất khi thể hiện quan điểm này.

Cuộc đối đầu "vỗ mặt" Trung Quốc

So với phần lớn các tổng thống Mỹ trước kia từng thử đối phó Bắc Kinh, ông Trump cũng vừa tìm cách khống chế, vừa tìm cách gắn kết, hợp tác với Trung Quốc khi giải quyết các mối quan ngại an ninh chung, chẳng hạn như vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, với vị tổng thống thứ 45 của Mỹ, nó còn giống một cuộc đối đầu "vỗ mặt" hơn.

Trước hết, điều này vì đối với ông Trump, chính trị, đặc biệt là chính trị toàn cầu đều liên quan đến kinh tế, đặc biệt theo sự hòa trộn giữa chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa trọng thương và chủ nghĩa bảo hộ nền công nghiệp trong nước đặc trưng của ông. Để phù hợp với chiến lược "Nước Mỹ trước tiên", an ninh kinh tế trở nên đồng nghĩa với an ninh quốc gia và do đó các thỏa thuận kinh tế thường đóng vai trò tối quan trọng.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi cách tiếp cận chính sách của ông Trump đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chủ yếu tập trung vào thương mại và đầu tư. Điều đó đã đẩy Trung Quốc vào tầm ngắm của ông Trump.

Khi chính sách đối ngoại của ông Trump chú trọng vào các vấn đề kinh tế, Trung Quốc tất nhiên không tránh khỏi việc trở thành "cái gai trong mắt" với chính quyền của ông. Kể từ khi ông Trump coi kinh tế ngang hàng với an ninh quốc gia, "mối đe dọa Trung Quốc" vừa có ảnh hưởng đến kinh tế, vừa tác động đến chính trị - quân sự. Đặc biệt, Washington tin Bắc Kinh đang "vũ khí hóa" sức mạnh kinh tế.

Theo báo cáo Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ 2018, Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược đang sử dụng kinh tế để "sắp xếp lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho nước này". Ngoài ra, báo cáo nhận định, Bắc Kinh đang khai thác các đầu tư và những hoạt động kinh tế khác trong những vùng khác bên ngoài Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt Mỹ Latinh và châu Phi để đưa các vùng này vào "quỹ đạo" của Trung Quốc.

Sự điên rồ của cuộc chiến thuế quan

Đối với ông Trump, sự đối đầu Mỹ - Trung chủ yếu về thương mại và trong cuộc chiến có "tổng không đổi" này, nước Mỹ đang thua. Đó là căn nguyên dẫn chúng ta tới cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung bị đánh giá là "tự sát" như hiện tại.

Tuần trước, ông Trump đã mạnh tay tăng thuế nhập khẩu đánh vào lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD. Nhà phân tích Bitzinger tin, động thái đã phớt lờ thực tế kinh tế cơ bản rằng, chính người dân chứ không phải nước nhập khẩu thực sự phải chi trả để mua những hàng hóa đó. Do đó, các chính sách bảo hộ dân túy mù quáng của ông Trump rõ ràng đang có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào sự suy thoái kinh tế.

Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế mới đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm hơn 2% chỉ trong vòng 1 ngày sau các diễn biến thiếu tích cực. Chắc chắn Trung Quốc sẽ bị tổn hại, nhưng không nhiều như nước Mỹ phải gánh chịu. Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu đậu tương của Mỹ và bắt đầu mua mặt hàng này từ Brazil trong khi người nông dân Mỹ đang phá sản với tốc độ nhanh kỷ lục.

Trung Quốc có thể mua máy bay từ Airbus. Thực tế, họ thậm chí sớm có thể tự sản xuất máy bay cho mình. Tuy nhiên, Mỹ không thể chế tạo ti vi, máy tính, đồ đạc hay tất ống, hoặc ít nhất không thể cho ra đời những sản phẩm này với giá rẻ tương đương và ngay lập tức.

Ông Trump có hiểu rõ những gì mình đang làm?

Theo nhà phân tích Bitzinger, ông Trump thường xuyên có chiến lược thiếu mạch lạc về vấn đề Trung Quốc. Tổng thống Mỹ đương nhiệm được cho đơn giản chỉ đang hành động hoặc phản ứng một cách bột phát tự nhiên. Ông Trump đã khiến mọi ngươi tin mình là một thiên tài kinh doanh, nhưng những hé lộ mới đây trên tờ New York Times về việc ông từng thua lỗ hàng tỉ USD trong những năm 1980 và 1990 dường như đã phủ nhận điều đó.

Một điểm đặc trưng khác của ông Trump là, khi đối mặt với những mâu thuẫn về nhận thức, ông sẽ tăng gấp đôi số đặt cược ban đầu và chống trả. Ông Trump hiện tin vào đội ngũ báo chí của mình và tất cả những lời dối trá chứa đựng trong đó. Hiện tại, ông dường như đang đe dọa cho nước Mỹ chìm xuồng cùng với mình.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích