TP.HCM vừa hoàn tất giai đoạn một đề án Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) với việc hình thành 4 trụ cột là: Trung tâm điều hành; Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội; Trung tâm an toàn thông tin.
Trong đó, Trung tâm điều hành ĐTTM đặt tại trụ sở UBND thành phố, đã hoạt động từ tháng trước."Hệ thống này như bộ não của con người, được tập hợp tất cả thông tin dữ liệu bằng thời gian thực, giúp lãnh đạo thành phố có cái nhìn tổng thể mọi hoạt động để dễ dàng đưa ra quyết định chỉ đạo, ứng phó với các tình huống khác nhau", ông Cường nói.
Trung tâm điều hành ĐTTM tại trụ sở UBND TP.HCM. |
Giai đoạn một, hệ thống camera của trung tâm tích hợp, kết nối gần 1.200 camera từ các sở ngành, quận huyện của thành phố. Trong đó có 50 camera được thí điểm sử dụng các công cụ phân tích hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI) như đo đếm số lượng, phân tích khuôn mặt, nhận dạng đám đông, hành vi... Không chỉ nhận hình ảnh livestream (trực tiếp) từ hiện trường, những công cụ phân tích hình ảnh nâng cao sẽ đánh giá, cảnh báo sớm sự việc để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Ví dụ trong lĩnh vực an ninh trật tự, khi camera thu được hình ảnh người đang bị tình nghi sẽ phân tích đặc điểm nhân dạng. Khi có đầy đủ dữ liệu sẽ xác định đối tượng này là ai và truyền về cho người trực.
"Lượng camera như vậy là còn rất ít, cần tích hợp nhiều hơn. Nếu phát triển được mạng lưới hoàn chỉnh, thành phố giống như có trăm tai nghìn mắt vậy. Trung tâm điều hành sẽ giám sát chặt chẽ bất cứ việc gì như tình trạng kẹt xe, ngập nước, cháy nổ, môi trường... rồi gửi đến những người có thẩm quyền để xử lý", ông Cường nói.
Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ chính của ĐTTM là xây dựng chính quyền điện tử mở rộng và phong phú, tạo không gian sống trong môi trường mạng giữa người dân và chính quyền thành phố.
Kênh tương tác giữa người dân và chính quyền nằm ở Trung tâm Điều hành và Kho dữ liệu dùng chung. Khi thông tin dữ liệu được công khai, dịch vụ công trực tuyến mở rộng giúp người dân không phải ra đường nhiều, tránh kẹt xe, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cũng như tránh tiếp xúc với cán bộ sẽ đỡ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Qua cổng 1022, người dân có thể phản ánh tất cả vấn đề đến chính quyền.
"Quan trọng nhất là người dân giám sát được toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ của chính quyền và lãnh đạo cũng giám sát được mọi việc của cấp dưới", ông Cường cho biết.
Hệ thống camera giám sát ở khắp các tuyến đường đã mang lại hiệu quả trong an ninh trật tự tại TP HCM trong thời gian qua. |
Kho dữ liệu chung của thành phố đã hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12) trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành gồm: một cửa điện tử, khiếu nại, tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, người nộp thuế, lao động nước ngoài, đất đai... Bước đầu, đã thực hiện trích xuất, khai thác kho dữ liệu dùng chung phục vụ công tác điều hành của thành phố.
Thành phố cũng triển khai thử nghiệm cổng https://data.hochiminhcity.gov.vn cung cấp thông tin về cơ sở khám chữa bệnh và chứng chỉ hành nghề y. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục mở và kết nối các dịch vụ vào kho dữ liệu như dịch vụ công, xuất nhập khẩu, giao thông, quy hoạch, xây dựng, địa chính, du lịch, hộ tịch - dân cư... Việc này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp, tổ chức tiếp cận được các thông tin cần thiết, phục vụ đời sống hàng ngày cũng như kế hoạch kinh doanh, phát triển của mình một cách tốt nhất.
Chính thức vận hành vào tháng 6, Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội đặt tại Viện Nghiên cứu - Phát triển đang được hoàn thiện cơ sở vật chất, lắp đặt thiết bị, tài liệu tổng hợp các phương pháp khoa học dự báo. Nhờ có trung tâm này việc dự báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố chính xác hơn, thông qua phần mềm chứ không chỉ là dự báo theo mong muốn.
UBND thành phố đã phê duyệt đề án thành lập Công ty cổ phần vận hành Trung tâm an toàn thông tin và kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác đầu tư. Đây sẽ là cơ quan bảo mật, bảo đảm an ninh mạng cho toàn bộ hệ thống thông tin của thành phố.
"Xây dựng hoàn thiện đô thị thông minh là cả quá trình lâu dài, chúng ta vừa làm vừa học chứ không phải vài ba năm là xong. Dù bước đầu đã có một số kết quả nhất định nhưng để hoàn thiện nó thì cần nhiều thời gian và còn rất nhiều việc phải làm", ông Cường nói.
Theo VNE