"Cơn đau dai dẳng" của nông dân Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Thứ năm, 16/05/2019, 10:36
Nông dân Mỹ, một trong những người ủng hộ trung thành của Tổng thống Donald Trump, đang đối mặt với “cơn đau tài chính” ngày càng tăng từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và những thiệt hại dai dẳng.

Nông dân trồng đậu tương nằm trong nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất, thiệt hại nặng nhất nếu căng thẳng Mỹ - Trung kéo dài. Giá đậu tương tương lai ngày 13/5 lao dốc, chạm đáy hơn 10 năm, và giảm hơn 20% so với một năm trước.

Đây là đòn giáng trực tiếp vào Mỹ. Trong cuộc bầu cử năm 2016, Tổng thống Trump, đảng Cộng hòa, thắng lợi ở 8 trên 10 bang có sản lượng đậu tương lớn nhất, đều ở vùng trung tây. Khi đó, Iowa, bang sản xuất đậu tương lớn thứ hai Mỹ, đã chuyển từ ủng hộ Dân chủ sang Cộng hòa và điều này có thể đảo ngược dễ dàng.

Một số lãnh đạo trong ngành nông nghiệp chỉ trích mạnh mẽ đợt leo thang căng thẳng thương mại gần nhất.Trong khi đó, các tổ chức nông nghiệp gần như tránh đổ lỗi cho Tổng thống Trump bởi ông được ưa thích tại các vùng nông thôn.

“Washington lại tính sai. Sinh kế của nông dân và các cộng đồng bị đe dọa”, Lynn Rohrscheib, chủ tịch Illinois Soybean Growers, tổ chức đại diện cho 43.000 nông dân tại bang sản xuất nhiều đậu tương nhất Mỹ, nói hôm 13/5.

“Nông dân Illinois ngày càng phải đối mặt các thách thức lớn hơn nếu không có thỏa thuận. Chúng tôi vẫn chưa thấy điểm kết thúc”.

Hiểm họa trở nên rõ ràng khi lời đe dọa của Tổng thống Trump thành hiện thực hôm 10/5. Mỹ quyết định tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%. Washington đã lên kế hoạch hỗ trợ nông dân 15 tỷ USD, ngoài gói hỗ trợ 12 tỷ USD đã triển khai trong năm 2018.

Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue nói ông đang lên kế hoạch và sẽ trình Tổng thống trong “vài ngày đến vài tuần”.

Ông Trump ngày 14/5 lên tiếng trấn an, cho biết “những người nông dân yêu nước sẽ là một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ tình hình hiện tại”.

Các thành viên đảng Cộng hòa tại những khu vực nông nghiệp cảnh báo sự kiên nhẫn của họ đang giảm dần, dù không muốn chỉ trích Tổng thống.

“Theo tôi, các khu vực nông nghiệp đang ở bên bờ vực.Sự ủng hộ trước đây của họ bắt đầu đảo chiều”, thượng nghị sĩ Cộng hòa Roy Blunt, bang Missouri, nói. “Hy vọng Tổng thống sẽ sớm dàn xếp ổn thỏa”.

Ảnh hưởng đến bầu cử

“Sẽ có một số ảnh hưởng tới bầu cử, chắc chắn là vậy”, thượng nghị sĩ bang Iowa, Chuck Grassley, trả lời phóng viên ngày 14/5. “Nhưng tôi nghĩ mọi người đều nhận ra rằng Trung Quốc đang lừa dối. Chúng ta cần khen Tổng thống vì đã làm điều gì đó”.

Nông dân Mỹ khó sớm quay lưng hoàn toàn với ông Trump.

“Sự ủng hộ dành cho ông Trump tại các vùng nông thôn có thể bị suy giảm” nhưng hầu hết vẫn sẽ “sát cánh bên Trump”, Mack Shelley, giáo sư khoa học chính trị, Đại học bang Iowa, nhận định.

Tuy nhiên, một sự thay đổi nhỏ, chuyển sang ủng hộ phe Dân chủ, cũng có nguy cơ gây hậu quả trong cuộc bầu cử năm 2020. Tại vùng nông thôn, Trump nhận được nhiều hơn 28% sự ủng hộ so với đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton năm 2016, dù thua về phổ thông đầu phiếu. Ông Trump sau đó thắng phiếu cử tri đoàn và trở thành Tổng thống Mỹ.

Cuộc chiến thương mại đang “tàn phá” ngành nông nghiệp Mỹ. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc giảm từ 19,6 tỷ USD trong năm 2017 xuống còn 9,2 tỷ USD trong năm 2018. Thu nhập ngành nông nghiệp Mỹ giảm 16%, xuống 63 tỷ USD trong năm 2018, chỉ bằng một nửa so với năm 2013.

Mùa xuân mưa nhiều năm nay khiến tình hình thêm tệ hại. Nông dân vùng Trung Tây thường chọn giữa ngô và đậu tương. Ngô cần được trồng sớm hơn và đã quá khung thời gian phù hợp do nông dân chờ ruộng khô.

“Thiệt hại có thể gấp bội nếu họ lại trồng thêm đậu tương thay vì ngô”, theo Joseph Glauber, cựu kinh tế gia tại Bộ Nông nghiệp Mỹ. “Một số người sẽ gặp khó khăn tài chính”.

Tỷ lệ nông dân phá sản ở 6 bang trung tây Mỹ tăng 30% trong năm 2018, theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Minneapolis. Báo cáo từ First Midwest Bank, Chicago, cho thấy các khoản nợ quá hạn nông nghiệp năm 2018 tăng 287% so với năm 2017.

Mất lợi thế cạnh tranh

Jonathan Coppess, giáo sư chính sách nông nghiệp Đại học Illinois, cựu lãnh đạo Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp Mỹ, nói các đối thủ cạnh tranh của nông dân Mỹ sẽ giành thêm lợi thế nếu chiến tranh thương mại kéo dài.

“Có hiệu ứng thay đổi hành vi của nông dân tại các nước khác”, Coppess nhận định. “Nhìn chung, sẽ có thêm nhiều diện tích trồng đậu tương, tạo ra nhiều đậu tương hơn trên thế giới”.

Brazil bắt đầu trỗi dậy cạnh tranh với Mỹ về đậu tương từ những năm 1970, sau khi Tổng thống Richard Nixon ra lệnh cấm vận xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhật Bản buộc phải tìm nguồn cung thay thế và nông dân Brazil đã tận dụng cơ hội này.

“Lịch sử cho thấy các quyết định thương mại tạo ra những thay đổi đáng kể trên thị trường”, Coppess nói.

Brazil sắp vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia trồng đậu tương lớn nhất thế giới trong vụ 2019 – 2020. Đây sẽ là lần thứ 2 Brazil giành vị trí số một, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo.

Brazil đang mở rộng diện tích trồng đậu tương, có thể chặt bớt rừng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đã áp thuế lên hàng hóa nông nghiệp từ Washington, Hubertus Muehlhaeuse, giám đốc điều hành CNH Industrial NV, nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp toàn cầu, nói.

Theo Người đồng hành

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích