|
Tính từ đầu năm, giá dầu đã tăng hơn 30% |
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, cùng với sự lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh khiến giới đầu tư bán tháo các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu và hàng hóa cơ bản.
Theo hãng tin CNBC, vào đầu phiên giao dịch, giá dầu đã tăng khá mạnh do tin hai tàu chở dầu ở khu vực Trung Đông bị tấn công - một sự kiện cho thấy tình thế mong manh của an ninh ở nơi được coi là "vựa dầu" của thế giới. Tuy nhiên, xu thế tăng đã bị đảo ngược khi thị trường đón nhận loạt thông tin bất lợi về xung đột thương mại ngày càng nóng giữa Washington và Bắc Kinh.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,62 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 61,04 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu giảm 0,39 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, còn 70,23 USD/thùng.
Bất chấp mọi sự cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan bổ sung đối với hàng nghìn mặt hàng Trung Quốc, từ rau củ đông lạnh cho tới khí hóa lỏng.
Động thái này không có gì bất ngờ, vì Bắc Kinh đã thề trả đũa sau khi ông Trump vào tuần trước tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, bước leo thang của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khiến nhà đầu tư thêm phần lo sợ.
Nỗi sợ lớn nhất phủ bóng lên thị trường lúc này là xung đột Mỹ-Trung sẽ lên cao tới mức gây trệch hướng tăng trưởng toàn cầu.
Vào đầu phiên giao dịch, giá dầu có lúc tăng hơn 1 USD/thùng sau khi Saudi Arabia nói rằng hai tàu chở dầu của nước này cùng một số tàu bè khác đã bị tấn công ở vùng biển ngoài khởi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Hiện chưa rõ vụ tấn công này xảy ra như thế nào.
"Vụ tấn công gây đe dọa đến nguồn cung dầu và sẽ làm gia tăng mức độ bất ổn trên thị trường", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét.
Hôm Chủ nhật, UAE nói rằng 4 tàu thương mại đã bị tấn công gần Fujairah, một trong những trung tâm xếp dỡ hàng hóa lớn nhất thế giới. Cảng này cũng nằm gần eo biển Hormuz, một tuyến đường huyết mạch của hoạt động vận tải dầu đường biển.
Bộ Ngoại giao Iran - quốc gia gần đây nhiều lần dọa đóng cửa eo Hormuz vì căng thẳng với Mỹ gia tăng - gọi vụ tấn công là "đáng lo ngại và nguy hiểm", đồng thời kêu gọi điều tra.
Giá dầu hiện đang trong trạng thái giằng co giữa những yếu tố trái chiều. Một mặt, giá dầu chịu áp lực giảm vì nỗi lo thiếu cầu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Mặt khác, giá "vàng đen" được hỗ trợ bởi nỗi lo nguồn cung bị thắt chặt do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela.
Một nhân tố hỗ trợ giá dầu nữa không thể không kể tới là thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga thực thi từ đầu năm đến nay.
Tính từ đầu năm, giá dầu đã tăng hơn 30%.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã gia tăng mạnh gần đây, khi Washington thắt chặt lệnh trừng phạt Tehran. Nguồn thạo tin nói rằng Iran đang đặt ra điều kiện rằng nước này phải được xuất khẩu ít nhất 1,5 triệu thùng/ngày - nhiều gấp 3 lần mức xuất khẩu dầu dự kiến của Iran trong tháng 5 dưới lệnh trừng phạt của Mỹ - thì Tehran mới giữ vững thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc phương Tây.
Theo VnEconomy