Bỏ quỹ bình ổn để giá xăng tiệm cận giá thế giới
Theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. VINPA cho rằng, việc trích lập quỹ thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi hơn là có lợi.
Bởi bản chất của vấn đề là chính người dân đang phải ứng tiền túi trước cho quỹ. Thứ nữa, chính việc cho lập và sử dụng quỹ bình ổn khiến thị trường xăng dầu bị “méo mó” đi, mang đậm tính can thiệp hành chính và không bảo đảm tính cạch tranh đúng theo cơ chế thị trường. Việc này khiến giá xăng dầu trong nước khó đi theo đúng diễn biến giá xăng dầu thế giới. Từ những lý do trên và với hy vọng giúp tính minh bạch công khai, bình đẳng trong điều hành giá xăng tốt hơn, VINPA kiến nghị nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo chuyên gia xăng dầu, thực tế các doanh nghiệp hiện được trích 300 đồng/lít xăng dầu. Tuy nhiên, mức chi sử dụng quỹ tới 925 đồng/lít với xăng sinh học E5. Như vậy, với mức xả quỹ cao gấp hơn 3 lần mức trích khiến doanh nghiệp càng bán xăng E5, càng bị âm quỹ bình ổn nhanh hơn doanh nghiệp bán xăng A95.
Năm 2018, từ mức quỹ còn 3.500 tỉ đồng năm 2017, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giảm 1.600 tỉ đồng trong năm do phải kìm giá xăng tăng. Thực tế, việc xả Quỹ bình ổn xăng dầu đang tạo áp lực lớn khi nguồn dư quỹ đang dần cạn kiệt.
Trích và dùng quỹ không hợp lý
Về kiến nghị của VINPA, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, đề xuất bỏ bình ổn xăng dầu đã được bàn đi bàn lại nhiều lần. Việc trích quỹ 300 đồng/lít xăng hiện tại có sự mâu thuẫn giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 và xăng A95. Kiến nghị của VINPA thực chất là muốn đòi quyền lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng E5. Cụ thể, hiện chỉ có xăng A95 được trích quỹ 300 đồng/lít, xăng E5 không trích.
“Vậy là doanh nghiệp bán xăng E5 không được trích nhưng vẫn phải chi sử dụng quỹ lớn hơn xăng khoáng rất nhiều để giá xăng E5 có độ chênh lệch thấp hơn so với giá xăng A95. Càng trích trừ, quỹ âm thì doanh nghiệp buộc phải vay ngân hàng lãi suất lên đến 8% để bù vào. Nếu số âm cao quá mức, ngân hàng không cho vay. Doanh nghiệp chỉ khi nào thu đủ bằng hòa vốn mới cho hoàn lại”, ông Long phân tích.
Quỹ bình ổn là công cụ hỗ trợ giúp nhà nước quản lý giá xăng |
“Tuy nhiên, theo tôi, trong bối cảnh giá xăng đang được nhà nước định giá cơ sở nên không thể không có quỹ bình ổn này. Nhà nước quản lý giá phải có công cụ trong tay để khi giá thế giới tăng cao, phải dựa vào quỹ đó để xả bình ổn giá xăng, không cho tăng cao. Kiến nghị của VINPA là có lợi cho doanh nghiệp, việc duy trì quỹ có thể không có lợi cho doanh nghiệp, nhưng về mặt xã hội là cần thiết trong bối cảnh nhà nước đang quản lý giá xăng”, ông Long nhấn mạnh thêm.
Hiện để bình ổn giá xăng, có 3 “van” được nhà nước áp dụng là thuế, quỹ bình ổn và giá. Tuy nhiên, việc tăng giảm thuế liên quan xăng không đơn giản, nên nhà nước chỉ có thể dựa vào hai “van” quỹ bình ổn và giá. Ông Long cho rằng, việc trích quỹ bình ổn xăng của Việt Nam không vi phạm luật thương mại thế giới, đó là số tiền được ứng trước đưa vào sử dụng khi cần thiết.
"Vấn đề quản lý giá xăng của chúng ta đang gây bức xúc mấu chốt là trích và sử dụng quỹ bình ổn chưa hợp lý. Doanh nghiệp bán xăng E5 không có thu từ quỹ nhưng lại trích số lớn, nên không mặn mà, chấp nhận cho có, muốn bỏ bán đi là vậy. Vấn đề cốt lõi vẫn là nên duy trì trích một cách sòng phẳng, hoặc chọn giá xăng cho thị trường điều hành thì bỏ quỹ đi và không can thiệp. Cái gì cũng muốn giữ nhưng điều hành giật cục rất khó ăn khó nói với người dân và cả doanh nghiệp"- ông Long nói.
Theo Thanh Niên