Ngày 13/5, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký văn bản gửi Thủ tướng góp ý dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô dưới 9 chỗ (Nghị định 86 mới).
Góp ý với Chính phủ, Bộ TTTT cho rằng để tạo điều kiện cho công nghệ số có khả năng đem lại nhiều lợi ích mới cho xã hội, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và chất lượng, các nước trên thế giới như Anh, Đức, Singapore, Indonesia... đều đã nỗ lực xây dựng và thực hiện các mô hình, phương thức quản lý mới.
Tại Việt Nam, Chính phủ và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng các khuôn khổ pháp lý mới để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thực hiện thí điểm chính sách quản lý các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới có tính đột phá.
Bộ TTTT cho rằng cần nhìn nhận đơn vị cung cấp nền tảng như một chủ thể riêng biệt, không quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống. |
Trên quan điểm đó, Bộ TTTT cho rằng cần xem những đơn vị cung cấp nền tảng (platform) như Grab, Uber, GoViet… là một chủ thể riêng biệt, ngoài những chủ thể được quy định hiện nay.
Cách tiếp cận của Bộ TTTT cho rằng hoạt động kinh doanh taxi truyền thống có 3 chủ thể đóng vai trò chi phối chính là công ty vận tải taxi, người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.
Khi xuất hiện các đơn vị cung cấp platform, hoạt động kinh doanh taxi có 4 chủ thể chính là công ty vận tải (hoặc hợp tác xã vận tải), đơn vị cung cấp nền tảng, người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong 4 chủ thể đó, công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng kết hợp lại cung cấp cho người dân một loại dịch vụ tương đương việc của doanh nghiệp taxi. Công ty vận tải và đơn vị cung cấp nền tảng không tự mình thực hiện tất cả công đoạn giống taxi truyền thống mà làm một số công đoạn nhỏ.
Bộ TTTT cho rằng mô hình kinh doanh mới đem lại cho người dân những lợi ích như minh bạch về giá cước và lộ trình, giá cước phù hợp với nhu cầu của người dân, chất lượng phục vụ được nâng cao… Tuy nhiên cần nhìn nhận đơn vị cung cấp nền tảng như một chủ thể riêng biệt, không quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống.
Từ đó, Bộ TTTT đề nghị dự thảo nghị định 86 mới cần bổ sung nội dung khẳng định vị trí riêng biệt của các chủ thể. Theo cách tiếp cận này, để quản lý chủ thể cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải (như Grab, GoViet, Uber…) chỉ cần có những quy định riêng và phù hợp với chủ thể này. Các quy định đảm bảo tương ứng với các công đoạn trong hoạt động kinh doanh taxi mà đơn vị này trực tiếp thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. |
Do đó cần bổ sung thêm quy định quản lý đối với đơn vị cung cấp nền tảng kinh doanh vận tải.
Về vấn đề quản lý Nhà nước đối với những hoạt động kinh doanh sử dụng công nghệ, Bộ TTTT cho rằng cần sử dụng chính công nghệ. Theo đó, thay vì yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử, lắp “bảng đèn hiệu”, đổi màu biển số… cơ quan quản lý hoàn toàn có thể yêu cầu đơn vị cung cấp nền tảng đảm bảo khả năng truy cập vào dữ liệu những xe vận tải đang tham gia trong mô hình.
Cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thể yêu cầu đơn vị nền tảng cung cấp lộ trình cho xe hợp đồng đúng quy định về tuyến đường và thời gian vận chuyển… Tất cả lộ trình phải được lưu lại để truy xuất trong trường hợp hậu kiểm về sau.
Song song với việc thay đổi cách tiếp cận với các platform, Bộ TTTT cho rằng cần tăng khả năng cạnh tranh cho những mô hình taxi truyền thống so với taxi sử dụng công nghệ. Ngoài ra, việc yêu cầu gắn biển điện tử đối với các xe hợp đồng dưới 9 chỗ sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải, đưa thị trường kinh doanh taxi trở lại thời điểm trước khi xuất hiện loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ.
Trong dự thảo mới nhất, Bộ GTVT quy định taxi được phân chia thành 2 loại, có đồng hồ tính tiền và sử dụng phần mềm để tính tiền. Với xe gắn đồng hồ thì phải xuất hóa đơn cho khách theo hành trình. Cả 2 loại taxi này là phải có phù hiệu “TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “TAXI” gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20 cm. Dự thảo mà Bộ GTVT xây dựng cũng quy định cụ thể hơn về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, xe này phải niêm yết chữ “XE HỢP ĐỒNG” ở trên kính trước và kính phía sau xe theo quy định. Ngoài ra, “XE HỢP ĐỒNG” cũng phải có bảng điện tử gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15x20cm và phải được bật sáng khi tham gia giao thông. Đối chiếu quy định trong dự thảo này thì các hãng gọi xe công nghệ hiện nay như Go Viet, Grab, FastGo… đều phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải. Nếu các doanh nghiệp này hoạt động như taxi sẽ áp dụng quy định như taxi, còn nếu hoạt động như xe hợp đồng sẽ phải áp dụng quy định như vậy. Dù ở trường hợp nào, các xe này đều phải gắn mào khi hoạt động. |
Theo Zing