|
Lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức 1 hội nghị chào mời nhà đầu tư tham gia các dự án BOT giao thông. |
Lần đầu tiên chào mời
Sáng 17/5, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức một hội nghị quốc tế công khai kêu gọi tư nhân rót vốn vào các dự án BOT đường bộ, sau nhiều năm chủ yếu chỉ định thầu. Tới hội nghị, ngoài các cơ quan nhà nước, có hơn 100 nhà đầu tư trong nước và 50 doanh nghiệp nước ngoài (từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Singapore…).
Các nhà đầu tư đã đặt nhiều câu hỏi với đại diện cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam. Trong đó, tập trung vào cơ chế bảo lãnh của Chính phủ về tỷ giá, doanh thu, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Dù vậy, những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài quan tâm vẫn phải đợi, chưa thể trả lời, pháp luật Việt Nam chưa có. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước quan tâm tới giải pháp thu phí, khi một số dự án BOT đường bộ gặp khó khăn trong thu phí, không được tăng phí...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, sau 1 tuần mở bán hồ sơ chào thầu quốc tế tìm nhà đầu tư BOT cho 8/11 đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, đã có 90 bộ hồ sơ được bán. Theo ông Nhật, do không có bảo lãnh tỷ giá, doanh thu nên để khả thi, Chính phủ cam kết sẽ giải phóng mặt bằng và bàn giao cho nhà đầu tư. Đồng thời, nhà nước còn hỗ trợ một phần vốn xây dựng cho các nhà đầu tư.
Về yêu cầu bảo lãnh tỷ giá, doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư, Phó Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) Vũ Quỳnh Lê cho biết, hiện Việt Nam chưa có quy định để thực hiện bảo lãnh này. Bộ KH&ĐT đã xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư đối tác công - tư, với phương án bảo lãnh tỷ giá, doanh thu... để lắng nghe ý kiến các bên.
Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc cho biết: Dù chưa có quy định về bảo lãnh tỷ giá, nhưng pháp luật Việt Nam đã đầy đủ các quy định về chuyển đổi ngoại tệ. Đồng thời, Chính phủ luôn kiên trì chính sách kinh tế vĩ mô nhằm duy trì tỷ giá ổn định. Dù vậy, theo ông Bắc, các nhà đầu tư cần tính toán, cân nhắc các rủi ro phát sinh trong đầu tư. “Rút kinh nghiệm một số rủi ro tín dụng phát sinh trong các dự án BOT quốc lộ 1 vừa qua, chúng tôi và Bộ GTVT đã tính toán để có một số chính sách phù hợp cho cao tốc Bắc- Nam. Qua đó nhằm đảm bảo phù hợp, hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Bắc nói.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Đối tác Công - Tư (PPP, Bộ GTVT) cũng khẳng định, bộ này đã nghiên cứu một số giải pháp chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư. Đồng thời, không để khoản tín dụng đầu tư vào giao thông thành nợ xấu, ảnh hưởng cả hệ thống tín dụng. Trường hợp doanh thu thấp hơn kế hoạch, có thể điều chỉnh thời gian thu phí, mức phí...
Đặc biệt, theo ông Huy, mức phí và lộ trình tăng phí với dự án cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua, nên sẽ không có điều chỉnh. Theo đó, mức phí thấp nhất là 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn (xe dưới 12 chỗ ngồi), và tăng tới mức tối đa là 3.400 đồng/km/xe tiêu chuẩn. “Do đó, vấn đề về mức phí, tăng phí đã được giải quyết, nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm”, ông Huy khẳng định.
Khó với nhà đầu tư nội
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Lợi, thành viên Hiệp Hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, dù nhà đầu tư trong nước muốn tham gia cũng không dễ. Theo vị này, về điều kiện tài chính, công nghệ Bộ GTVT đặt ra các nhà đầu tư trong nước đáp ứng được. Tuy nhiên, điều kiện năng lực, kinh nghiệm sẽ khó, vì yêu cầu nhà đầu tư phải từng làm dự án hạ tầng có vốn bằng ít nhất 50% vốn dự án sẽ tham gia đấu thầu.
“Lâu nay Việt Nam rất ít dự án có vốn lớn bằng với mức đầu tư cao tốc Bắc - Nam để nhà đầu tư tham gia và có kinh nghiệm. Nếu liên kết, từng nhà đầu tư trong liên danh cũng phải đáp ứng các điều kiện đó. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại yêu cầu được bảo lãnh tỷ giá, doanh thu, nên không rõ họ có mặn mà hay không để cùng liên kết đầu tư. Do đó, nhà đầu tư trong nước rất khó trúng thầu cao tốc Bắc - Nam”, ông Lợi nói.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tới hết ngày 16/5, đã có 33 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó chủ yếu tới từ các nước châu Á, và một số nhà đầu tư châu Âu mua hồ sơ và gửi thông tin quan tâm tới 8 dự án cao tốc Bắc - Nam. Ông Thể bày tỏ hy vọng, qua đấu thầu quốc tế sẽ tìm được các nhà đầu tư uy tín, đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.
“Quốc hội đã bố trí 55.000 tỷ đồng hỗ trợ các dự án, ban hành lộ trình, các cam kết về thu phí, nên các nhà đầu tư có thể yên tâm khi thực hiện dự án”, ông Thể nói.
Trả lời PV về giải pháp ngăn chặn nhà đầu tư yếu kém, cố tình kéo dài thời gian thi công, đòi tăng vốn, chất lượng không đảm bảo... Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết: Trong hồ sơ mời thầu đã đặt đề bài rất rõ, tất cả nhà đầu tư phải tuân thủ pháp luật Việt Nam; hợp đồng BOT sẽ có các điều khoản xử phạt, khắc phục hậu quả khi nhà đầu tư không đáp ứng về tài chính, tiến độ, chất lượng. Về những lo ngại như các vấn đề từng xảy ra với dự án có nhà thầu Trung Quốc tham gia thời gian qua, theo Thứ trưởng Nhật, đã đấu thầu quốc tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước (dù tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Anh, Pháp...) đều bình đẳng. Quá trình đấu thầu sẽ công khai, minh bạch, không có điều khoản nào hạn chế nhà đầu tư trong hay ngoài nước. Dự án xây dựng 1 số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Ðông, được chia làm 11 dự án thành phần, trong đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT. Tổng mức đầu tư các dự án khoảng 118.700 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng. Tiến độ cơ bản hoàn thành vào năm 2021. 8 đoạn kêu gọi đầu tư BOT gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. |
Theo Tiền Phong