|
Trao đổi tại Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ PPP, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, vấn đề bảo lãnh doanh thu đã được Bộ GTVT đặt ra và trình lên Chính phủ và Quốc hội tuy nhiên trong bối cảnh này, Chính phủ chưa cung cấp bất kỳ loại bảo lãnh nào cho tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm về 3 loại bảo lãnh bao gồm: Bảo lãnh về doanh thu tối thiểu; bảo lãnh thông qua bên thứ 3 (trong trường hợp Chính phủ hoặc doanh nghiệp mà không thực hiện hợp đồng thì bên thứ 3 sẽ đứng ra bảo lãnh) và bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ.
Trên thực tế, vấn đề này đã được đặt ra và Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo lên Quốc hội nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ khẳng định không cung cấp bất kỳ loại bảo lãnh nào cho Dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam.
"Trong điều kiện hiện nay, pháp luật chưa cung cấp bảo lãnh về doanh thu tối thiểu, tuy nhiên chúng tôi đã giao cho 2 đơn vị tư vấn giao dịch nghiên cứu cơ chế để phù hợp với pháp luật Việt Nam và tính toán mức độ chia sẻ rủi ro với tỷ lệ bao nhiêu và sẽ cung cấp thông tin này trong hồ sơ mời thầu chính thức", ông Huy nói.
Điểm mới trong đầu tư PPP cao tốc Bắc - Nam
Các lãnh đạo Bộ, ngành liên quan trả lời trực tiếp câu hỏi của nhà đầu tư tại Hội nghị kêu gọi đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020
|
Mặc dù, nắm rõ được tâm lý quan ngại của nhà đầu tư khi không có biện pháp bảo lãnh tuy nhiên, ông Huy cho rằng, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam có những thuận lợi mà các dự án PPP trước đó chưa có.
Thứ nhất, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, 100% là vốn nhà nước hỗ trợ, địa phương phải chịu trách nhiệm triển khai thực hiện. Sắp tới, Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng hợp đồng dự thảo để khi nhà đầu tư ký hợp đồng với Bộ GTVT sẽ có mặt bằng sạch 70-80%. Như vậy, vấn đề quan ngại của nhà đầu tư về việc giải phóng mặt bằng gây chậm tiến độ sẽ được giải quyết.
Thứ hai, nhà đầu tư có thể thay đổi biện pháp thiết kế thi công để "lời ăn, lỗ chịu", nếu nhà đầu tư có thể tiết kiệm chi phí bằng việc cải tiến kỹ thuật thì họ có thể hưởng phần chênh lệch chi phí đó. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ quản lý "đầu ra" để đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và tiến độ đặt ra.
Theo các nhà đầu tư trong nước Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có những yêu cầu khá cao đối với nhà đầu tư. Trong đó, hai vấn đề quan trọng nhất là yêu cầu về năng lực tài chính và kinh nghiệm.
Khó có nhà đầu tư nội đạt yêu cầu
Theo ông Họ Trường Nam đại diện Tập đoàn Đèo Cả, vấn đề tài chính thì các doanh nghiệp có thể liên doanh lại, cộng dồn năng lực tài chính để đáp ứng được yêu cầu của Bộ GTVT. Tuy nhiên, về năng lực kinh nghiệm, điển hình như yêu cầu chủ đầu tư phải từng có những dự án quy mô lớn, vốn chủ sở hữu đã từng góp cũng tương đương với các dự án mời thầu đợt sơ tuyển này.
"Soi lại các dự án mà Việt Nam đã từng thực hiện không nhiều các dự án lớn như thế nên sẽ không có kinh nghiệm tương tự", ông Nam nói.
Về vấn đề tiếp cận nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước coi vấn đề đầu tư BOT là lĩnh vực rủi ro và đang siết chặt tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn này nên sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
"Lãi suất trong hồ sơ dự sơ tuyển đang áp dụng lãi suất khoảng 7,76% trong khi lãi suất thực tế của thị trường là khoảng 11 - 12%, đây là mức chênh rất lớn khiến các nhà đầu tư trong nước rất khó để tiếp cận", ông Nam chỉ ra.
Cũng theo ông Nam, cần tạo sân chơi bình đẳng, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào đầu tư Dự án đường cao tốc Bắc - Nam bởi ngoài vai trò là dự án trọng điểm để thúc đẩy kinh tế thì việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư trực tiếp cũng vô cùng quan trọng.
Theo BizLive