|
Kinh tế Trung Quốc được cho là đang đứng trước sức ép lớn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ (Ảnh: WEF). |
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể sụt giảm mạnh, nợ nần có thể tăng vọt và các công ty nước ngoài có thể tháo chạy khỏi nước này trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Theo hãng tin Bloomberg, tình hình chiến tranh thương mại xấu đi những ngày qua đã khiến các chuyên gia kinh tế tính đến những kịch bản tồi tệ nhất đối với Trung Quốc.
Tăng trưởng sụt giảm
Loạt ngân hàng lớn gồm Bank of America, Morgan Stanley và UBS dự báo trong trường hợp xấu nhất, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm dưới 6% lần đầu tiên trong 3 thập kỷ.
Một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg dự báo thuế quan mà ông Trump áp lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tuần trước sẽ khiến tăng trưởng kinh tế nước này mất 0,3 điểm phần trăm trong năm nay. Trong trường hợp Mỹ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc từ cuối tháng 6 như ông Trump đe dọa, thì Trung Quốc sẽ mất 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế.
Theo nhận định của Citigroup, thuế quan mà ông Trump đã áp lên hàng hóa Trung Quốc tính đến thời điểm này sẽ khiến Trung Quốc mất tới 4,4 triệu việc làm. Con số sẽ càng lớn hơn nếu thuế trừng phạt 25% được áp lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc.
Ngay từ trước khi xảy ra đợt leo thang xung đột mới nhất, kinh tế Trung Quốc đã có nhiều tín hiệu xấu. Thống kê công bố hôm thứ Tư tuần này cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới mất đà trong tháng 4, trước khi Tổng thống Donald Trump tăng thuế áp lên hàng Trung Quốc.
Bởi vậy, Trung Quốc đang đứng trước sức ép lớn phải đi đến một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhất là khi Chủ tịch nước này Tập Cận Bình và ông Trump dự kiến có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Nợ nần gia tăng
Để giữ thăng bằng cho nền kinh tế, Trung Quốc có thể phải tung các biện pháp kích cầu thông qua tăng chi tiêu công. Tuy nhiên, đây là hướng đi khá rủi ro xét đến việc khối nợ trong nền kinh tế Trung Quốc hiện đang ở mức 300% tổng sản phẩm trong nước (GDP), dù Bắc Kinh đã có một chiến dịch giảm nợ kéo dài 2 năm.
"Tổn thất trong dài hạn là rất lớn", chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Larry Hu thuộc Macquarie Securities phát biểu. "Trung Quốc cần phải biết rằng Nhật Bản từng rơi vào thập kỷ mất mát vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tung các biện pháp kích thích tăng trưởng quá đà sau Thỏa ước Plaza".
Theo một báo cáo của ngân hàng Societe Generale, thuế quan của ông Trump làm lộ ra rằng sự cân bằng giữa tăng trưởng ngắn hạn và bền vững nợ của Trung Quốc là rất bấp bênh. Một khi nợ của Trung Quốc lại tăng lên, mối lo về rủi ro hệ thống tài chính sẽ lại bị thổi bùng.
"Triển vọng kinh tế Trung Quốc đang rất u ám. Thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh sâu hơn, thậm chí để mất hết thành quả tăng từ đầu năm… Đồng Nhân dân tệ có thể giảm giá thêm", chuyên gia kinh tế Chen Long thuộc Gavekal Dragonomics phát biểu.
Các nhà máy rời đi
Các nhà phân tích cũng đang đánh giá về thiệt hại đối với vai trò của Trung Quốc với tư cách là trung tâm trong chuỗi cung ứng của thế giới, khi thuế quan khiến các nhà sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác. Những hạn chế mà chính quyền ông Trump mới đặt ra đối với hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei cho thấy nguy cơ của sự kiềm chế về kinh tế mà Bắc Kinh phải đương đầu.
Đến nay, thuế quan của ông Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc đã khởi động một sự chuyển biến sâu sắc, không dễ bị đảo ngược trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự chuyển biến có thể đẩy nhanh việc các doanh nghiệp rút nhà máy khỏi Trung Quốc trong bối cảnh họ vốn đã gặp khó vì giá nhân công và các chi phí khác gia tăng ở nước này.
Hôm thứ Năm, hãng sản xuất thiết bị văn phòng Nhật Bản Ricoh tuyên bố sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan để tránh rủi ro chiến tranh thương mại. Công ty Kenda Rubeer Industrial của Đài Loan cũng có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam vì lý do tương tự. Nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng lớn như Samsonite, Macy’s và Fossil đều cho biết tiếp tục chuyển sản xuất hoặc thuê ngoài ra khỏi Trung Quốc.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Zhuang Bo thuộc TS Lombard, hạn chế đối với hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, có nguy cơ làm đình trệ việc chuyển giao công nghệ và bí quyết nước ngoài, theo đó làm chậm lại sự đi lên của Trung Quốc trong chuỗi giá trị.
Tệ hơn, một số chuyên gia cho rằng ông Trump có thể áp thuế nhập khẩu khoặc áp lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các linh kiện công nghệ chủ chốt, nhất là các thiết bị bán dẫn. Một hành động như vậy có thể "bóp nghẹt" kinh tế Trung Quốc.
Ông Michael Every, trưởng bộ phận thị trường tài chính châu Á thuộc Rabobank ở Hồng Kông, nhận xét rằng một cuộc chiến tranh kinh tế với Mỹ sẽ khiến Trung Quốc khốn đốn. "Trung Quốc sẽ bị cắt lìa khỏi thị trường, ý tưởng, công nghệ và đồng USD của Mỹ trong một thời gian rất dài trước khi có thể thay thế", ông Every nói.
Theo VnEconomy