Vì sao Malaysia "treo" loạt dự án tỷ USD của Trung Quốc?

Thứ tư, 17/07/2019, 14:06
Hàng loạt dự án hàng tỷ USD với Trung Quốc bị Malaysia hủy bỏ để giảm bớt gánh nặng nợ của chính phủ, đồng thời thể hiện quan điểm cứng rắn của Kuala Lumpur.

Hôm 14/7, Malaysia xác nhận thu giữ 1 tỷ ringgit (tức 243,25 triệu USD) từ tài khoản ngân hàng của Công ty xây lắp đường ống dẫn dầu Trung Quốc (CPP), một công ty con trực thuộc Tập đoàn năng lượng nhà nước Trung Quốc mang tên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Quyết định thu giữ số tiền trên được đưa ra gần một năm sau khi Malaysia cho dừng 2 dự án đường ống dẫn dầu trị giá 2,3 tỷ USD, trong đó CPP là chủ thầu.

“Tôi không thấy lý do tại sao người Trung Quốc không hài lòng về điều đó. Chúng tôi không lấy lại tiền cho công việc họ đã làm, mà chỉ lấy lại tiền cho công việc họ chưa làm”,Thủ tướng Mahathir Mohamad nói hôm 15/7, cho biết thêm rằng Malaysia đã thanh toán hơn 80% chi phí nhưng chỉ 13% khối lượng công việc của dự án này được hoàn thành.

Mô hình tuyến đường sắt ECRL trong lễ khởi công năm 2017. (Ảnh: SCMP)

Năm 2016, CPP giành được hợp đồng xây dựng đường ống dẫn dầu khí dài 600km dọc theo bờ biển phía Tây của bán đảo Malaysia và 662km đường ống dẫn khí ở Sabah, đảo Borneo vào thời điểm cựu Thủ tướng Najib Razak đang nắm quyền.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2018, sau khi đắc cử, Thủ tướng Mahathir tuyên bố đình chỉ 2 dự án này cùng dự án Đường sắt bờ Đông (ECRL), tuyến đường sắt kết nối các cảng trên bán đảo bờ Đông và Tây Malaysia, được Công ty xây dựng và truyền thông Trung Quốc thi công trị giá 20 tỷ USD.

Lý do mà chính phủ Mahathir đưa ra là chi phí cho các dự án quá cao, vượt khả năng tài chính của đất nước, một số dự án bị đánh giá là không công bằng, thổi phồng chi phí so với thực tế.

Quyết định này của ông Mahathir khi đó khiến Bắc Kinh có phần bất ngờ nhưng với nhiều người Malaysia thì không vì nó phản ảnh đúng với những gì mà ông cam kết trong chiến dịch tranh cử là giảm bớt ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc đối với Malaysia, hệ quả mà chính quyền tiền nhiệm để lại.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 8/2018, nhà lãnh đạo 93 tuổi nói rằng ông muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và hoan nghênh các khoản đầu tư từ Bắc Kinh nhưng điều kiện tiên quyết là nó phải có lợi cho Malaysia.

"Kuala Lumpur sẽ tìm cách bỏ những dự án này nếu nó tiếp tục bất lợi cho đất nước và tạo gánh nặng cho người dân Malaysia", ông khẳng định.

Vị Thủ tướng Malaysia chỉ trích chính quyền tiền nhiệm bỏ ra quá nhiều khi đàm phán với các công ty Trung Quốc, không đoái hoài tới việc họ đội giá dự án và đề ra các điều khoản đi ngược với lợi ích quốc gia của Malaysia, khiến đất nước rơi vào khó khăn.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trong chuyến công du tới Trung Quốc tháng 8/2018. (Ảnh: SCMP)

Theo các chuyên gia, việc Malaysia treo hàng loạt các dự án đắt đỏ với Bắc Kinh cho thấy khoản nợ 250 tỷ USD mà chính quyền ông Najib để lại đang đè gánh nặng kinh tế lên quốc gia Đông Nam Á nhiều đến mức nào. Nếu tiếp tục duy trì, Kuala Lumpur sẽ phải "cõng thêm" một khoản không nhỏ từ tiền lãi của các dự án này.

Trong tuyên bố đưa ra cách đầy 1 tuần, ông Mahathir khẳng định quyết định đánh giá lại hàng loạt siêu dự án ký kết với Trung Quốc là một trong biện pháp giúp chính quyền giải quyết món nợ khổng lồ.

Việc treo các dự án với Bắc Kinh cũng được cho là sách lược khôn ngoan giúp Malaysia có cơ hội mặc cả với phía Trung Quốc về mức giá mà Kuala Lumpur nhiều lần nhấn mạnh là bị đội lên quá cao.

Trong 3 dự án bị đình chỉ, ECRL được hồi sinh hồi tháng 4 sau khi Malaysia và Trung Quốc nhất trí cắt giảm chi phí dự án từ 14 tỷ USD trong kế hoạch ban đầu xuống còn 10,7 tỷ USD. Giới chuyên gia tin rằng đây có thể sẽ là một tiền lệ để Malaysia dựa vào đó mặc cả kêu gọi hạ thấp chi phí với các dự án khác. Nó cũng là bước đi khôn ngoan bởi nếu chấm dứt hoàn toàn dự án này, Malaysia sẽ phải thanh toán khoản phá bỏ hợp đồng lên tới 5,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, số phận 2 dự án còn lại vẫn đang được bỏ ngỏ. Hoặc Trung Quốc sẽ nhượng bộ giảm giá hoặc Malaysia sẽ thẳng tay hủy bỏ 2 đường ống tốn kém này. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nghiêng về khả năng đầu tiên bởi xét vào thời điểm hiện tại Trung Quốc đang sử dụng "đòn bẩy kinh tế" với các nước ASEAN bằng cách đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng để đổi lấy những lợi ích chính trị mà quốc gia nước sở tại cung cấp.

Bắc Kinh cũng thừa hiểu rằng với Malaysia, họ đang phải đối đầu với vị chính trị gia lão làng, dày dặn kinh nghiệm. Thêm vào đó, Trung Quốc hơn ai hết là những người rất trọng thể diện. Họ lo sợ khi các dự án bị hủy bỏ, sẽ không còn ai muốn làm ăn với mình, điều từng xảy ra ở Sri Lanka, Pakistan, và ở châu Phi. Đó có thể là gót chân Achilles để ông Mahathir khoét vào trong quá trình ngã giá với Bắc Kinh.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích