Bên lề hội nghị triển khai thực hiện đề án tổ chức các hội nghị quốc phòng - quân sự ASEAN năm 2020 tại Hà Nội ngày 17-7, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã trao đổi với báo chí về vấn đề Biển Đông.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Trước câu hỏi Việt Nam dự kiến đưa ra vấn đề gì liên quan đến Việt Nam cũng như các nước trong khu vực tại các hội nghị liên quan đến quốc phòng khi đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN, ví dụ như vấn đề Biển Đông khi diễn biến thực địa ngày càng phức tạp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng với một quốc gia đã có nhiều vấn đề quan tâm và thách thức về an ninh, như vậy với 10 nước ASEAN thì sự quan tâm ấy có rất nhiều, chưa kể các nước đối tác của khối.
Trong khu vực ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương hiện nay hội đủ tất cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ảnh hưởng tới hòa bình ổn định khu vực. Trong bối cảnh, tình hình rất phức tạp hiện nay, các nước lớn tăng cường can dự và cạnh tranh chiến lược, tạo nên nhiệt độ càng ngày càng nóng lên với nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có châu Á-Thái Bình Dương.
Về vấn đề Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh đây không chỉ là mối quan tâm của Việt Nam mà với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực cũng như các nước có lợi ích liên quan tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"Đây là mối quan tâm mà chắc chắn chúng ta đề cập đến cũng như thách thức về an ninh khác. Việt Nam cần khẳng định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của cả thế giới và vấn đề này phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để đi đến sự ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực này. Cọ xát chiến lược của các nước lớn là điều tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng cọ xát ấy không được và không nên ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác trong khu vực, mà vấn đề an ninh, an toàn hàng hải hàng không ở Biển Đông là một ví dụ"- tướng Vịnh khẳng định.
Thứ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh Việt Nam một mặt đấu tranh bảo vệ chủ quyền, mặt khác phải đấu tranh để bảo vệ môi trường hòa bình, và lợi ích chung của Biển Đông với cộng đồng quốc tế. Đây là chủ trương của các hội nghị quân sự quốc phòng của chúng ta tới đây.
Nhiều hoạt động quân sự, quốc phòng năm 2020
Về việc tổ chức các hội nghị quốc phòng quân sự ASEAN 2020, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết chúng ta vạch ra một đề án hết sức chi tiết nhưng làm sao các quốc gia tham gia với chúng ta thấy rằng khi đến Việt Nam, đến Hà Nội, tất cả các quốc gia đều có thể ngồi lại với nhau. Việt Nam không muốn và không để các mâu thuẫn xung đột từ bên ngoài đưa vào giải quyết với nhau.
"Với mục đích như vậy chúng ta dự kiến có tuyên bố của Bộ trưởng Bộ quốc phòng các nước ASEAN về nâng cao tính đoàn kết, thống nhất, vai trò trung tâm của ASEAN với các vấn đề trong khu vực. Đây là tuyên bố cấp bộ trưởng ASEAN nhưng cũng đồng thời là tuyên ngôn đối với thế giới về việc khu vực này: Chúng tôi mong muốn hòa bình, chúng tôi không mong muốn quân sự hóa, chúng tôi không mong muốn cạnh tranh chiến lược tạo ra các xung đột ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh trong khu vực"- Thứ trưởng cho biết.
Quang cảnh hội nghị
Trong khuôn khổ ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với các nước đối tác), Việt Nam mong muốn gây dựng một tuyên bố về tầm nhìn chiến lược, an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó cũng vạch ra các nguy cơ, thách thức liên quan tới khu vực đồng thời đưa ra các giải pháp cơ bản để có thể giải quyết các thách thức ấy thông qua đối thoại, bằng các giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế tôn trọng nhau, nước lớn cũng như nước nhỏ, không để cho những nước nhỏ lựa chọn phải đứng ở bên này hay bên kia. "Đây là tuyên bố có tham vấn về ý tưởng của các nước ASEAN và các nước cộng. May mắn là nhận được sự đồng tình về ý định của chúng ta. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cần phải nỗ lực rất nhiều"- Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.
Bên cạnh đó, cũng có tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam thể hiện quan điểm của Việt Nam và đánh giá sự thành công của năm ASEAN do Việt Nam làm chủ tịch. Năm 2020 là dịp 10 năm kỷ niệm ADMM+, là dịp đánh giá lại 10 năm qua chúng ta làm gì cho khu vực, cần phải làm gì nhiều hơn, có cần phải mở rộng nữa không, biến từ diễn đàn đối thoại thành một tổ chức hợp tác hay không? Tất cả những điều này đều phải cân nhắc để lấy ý kiến.
Ngoài ra, cũng sẽ tổ chức một số sự kiện như lễ diễu binh tàu hải quân nhân 65 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam gắn liền với hội nghị tư lệnh hải quân các nước ASEAN, không chỉ mời các nước ASEAN mà mời tất cả các quốc gia là đối tác, bạn bè có quan tâm. Bên cạnh đó, còn có các sự kiện giao lưu văn hóa, thể thao, quân nhạc và nhiều nội dung khác. Bên cạnh đó còn một số nước đề xuất các sự kiện như Trung Quốc mong muốn được tổ chức giao lưu sĩ quan trẻ Trung Quốc và ASEAN, nếu các nước ASEAN đồng ý thì Việt Nam sẽ tổ chức hoặc ở Trung Quốc hoặc ở Việt Nam.
Theo NLĐ