Trung Quốc trở thành “thương lái” ôtô cũ trên toàn cầu

Thứ hai, 05/08/2019, 13:40
Trung Quốc đang tích cực xuất khẩu ôtô cũ sang các thị trường mới nổi nhằm kích thích sức tiêu dùng nội địa.

Trung Quốc đã bắt đầu xuất khẩu ôtô cũ sang Nigeria.

Một công ty Trung Quốc ở Quảng Châu gần đây xuất khẩu 300 ôtô đã qua sử dụng sang Campuchia, Nigeria, Myanmar và Nga, Detroit News đưa tin tuần trước. Đây là chuyến hàng đầu tiên của Trung Quốc, nơi cho đến nay vẫn hạn chế xuất khẩu ôtô cũ quy mô lớn vì tôn trọng các nhà sản xuất, những người sợ rằng xe chất lượng kém có thể hủy hoại danh tiếng của họ. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều những chuyến hàng tương tự, và tầm ảnh hưởng của chúng sẽ không chỉ dừng lại ở những lô xe cũ của Trung Quốc.
Khi mọi chú ý đều tập trung vào xe điện và xe tự lái, người ta dễ bỏ qua thị trường rộng lớn và đầy thế lực của những cỗ xe lỗi thời còn sót lại. Ở những nền kinh tế phát triển, số ôtô cũ bán được nhiều gấp hơn hai lần so với doanh số xe mới.
Chẳng hạn, trong 2018 có 17,3 triệu xe mới được bán ra ở Mỹ - còn doanh số của xe cũ là 40,2 triệu. Khoảng cách này được dự báo sẽ còn nới rộng hơn trong 2019, bởi trong khi giá xe mới liên tục leo thang thì một lượng lớn xe đã qua sử dụng sắp hết hạn cho thuê. Các nhà sản xuất ôtô có thể buộc phải giảm giá xe mới và ưu đãi nhằm vực dậy doanh số.
Những nước giàu như Nhật Bản hay Mỹ đều đã xuất một số loại xe đời cũ đến các quốc gia đang phát triển như Mexico và Nigeria trong hàng chục năm nay. Việc buôn bán này không những giúp giảm số lượng ôtô gây ô nhiễm lưu thông trên phố, mà còn thúc đẩy doanh số xe mới bằng cách giảm nguồn cung xe cũ.
So với doanh số nội địa, những con số này khá khiêm tốn: Mỹ xuất khẩu chưa đến 800.000 xe đã qua sử dụng vào năm ngoái, con số này duy trì tương đối ổn định từ 2013. Hơn nữa, chúng chỉ chiếm gần một phần ba số xe 7 chỗ trở xuống và xe tải hạng nhẹ xuất khẩu từ Mỹ trong 2018. Nhật xuất khẩu khoảng gần một triệu xe mỗi năm. Singapore, Hàn, các nước châu Âu và Canada cũng xuất khẩu số lượng đáng kể ôtô cũ.
Đáng nói là Trung Quốc cũng sẽ tham gia cùng nhóm nước kể trên. Vì một lý do, hàng tồn kho đang tăng lên. Trong 2018, Trung Quốc đã bán 28 triệu xe mới và gần 14 triệu xe cũ. Tỷ lệ này sẽ sớm thay đổi, bởi Trung Quốc là xứ sở của hơn 300 triệu xe đã được đăng kiểm – con số lớn nhất trên thế giới – và khả năng phần nhiều trong số này được bán lại chỉ là vấn đề thời gian. Chất lượng của ôtô Trung Quốc cũng đã được nâng cao đến ngưỡng nhiều khách hàng ở các nước đang phát triển có thể dễ dàng chọn chúng như một phương tiện thay thế rẻ hơn các ôtô cũ của Toyota hay Ford.
Trong khi đó, nền công nghiệp ôtô Trung Quốc đang đình trệ và các nhà hoạch định chính sách đang nóng lòng tìm cách thúc đẩy. Chính phủ nước này cho rằng, xuất khẩu ôtô cũ có thể "kích thích sức tiêu thụ của thị trường ôtô nội địa".
Điều này báo hiệu sự cạnh tranh và có thể là cả rắc rối sẽ nảy sinh đối với ngành ôtô toàn cầu. Sự gia tăng nguồn cung ôtô cũ tất yếu sẽ đẩy giá xuống, đặc biệt ở những thị trường mới nổi như Nigeria và Campuchia, nơi các nhà xuất khẩu xe hơi Trung Quốc sẽ "marketing" sản phẩm của họ.
Trong khi đó là tin tốt cho những người mua ôtô tương lai ở Lagos (Nigeria), trong dài hạn thương vụ này sẽ tác động tới doanh số xe mới và thậm chí là cả nền sản xuất ở những nước đang phát triển. Đa số những nước này nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà sản xuất ôtô. Tương tự, khi ít ôtô được xuất khẩu hơn, chẳng hạn như từ Mỹ, cuộc cạnh tranh giữa xe mới và cũ trong nước sẽ càng trở nên khốc liệt.
Và ôtô chỉ là sự khởi đầu. Các nhà máy ở Trung Quốc đã giảm chi phí các mặt hàng mới từ hơn ba mươi năm nay. Số lượng lớn hàng hóa cũ được mua sắm và nay được tống khứ bởi người tiêu dùng Trung Quốc sẽ làm giảm áp lực lên giá của cả những sản phẩm mới cũng như cũ ở khắp mọi nơi.
Những dấu hiệu của sự gián đoạn này đã và đang xuất hiện ở một thị trường "secondhand" khác: quần áo cũ. Khi Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất và tiêu dùng hàng may mặc lớn nhất thế giới, nước này đồng thời cũng trở thành nguồn thải bỏ hàng may mặc lớn nhất, với ước tính khoảng 26 triệu tấn đồ cũ được thải bỏ hàng năm. (Mỹ thải bỏ khoảng 16 triệu tấn quần áo năm 2015, theo số liệu được công bố gần nhất).
Số liệu về quần áo cũ xuất khẩu của Trung Quốc khá ít, nhưng trong 2015 nước này đã xuất khẩu chính thức 218,2 triệu USD hàng may mặc đã qua sử dụng, trong khi số liệu này của Mỹ là 575,5 triệu USD. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc được công nhận rộng rãi là nước có nguồn cung hàng may mặc cũ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu. Giới thương lái Tây Phi khẳng định rằng sự tăng vọt số lượng quần áo Trung Quốc nhập khẩu gần đây đã giúp hạ giá thị trường quần áo cả cũ cũng như mới.
Số ôtô cũ xuất khẩu của Trung Quốc đang khởi đầu ở mức khiêm tốn và sẽ tốn thời gian để nước này có thể đuổi kịp các đối thủ đã khẳng định được tên tuổi. Tuy nhiên, đây không phải là ngành chế tạo thiết bị bán dẫn; trong dài hạn, Trung Quốc sẽ có nhiều ôtô cũ để bán hơn bất cứ quốc gia nào và ngành xuất khẩu xe hơi đã qua sử dụng của nước này tất yếu sẽ dẫn đầu thế giới. Các nhà sản xuất ôtô toàn cầu chắc chắn sẽ muốn "thắt dây an toàn" trong cuộc đua này với Trung Quốc.

Theo VNE

Các tin cũ hơn