66 tiêm kích Mỹ khó giúp Đài Loan xoay chuyển cán cân khu vực

Thứ năm, 22/08/2019, 09:29
Đài Loan sẽ được tăng sức mạnh phòng vệ đáng kể nhờ lô tiêm kích F-16V Mỹ, nhưng chưa đủ để thay đổi tương quan với Trung Quốc đại lục.

Một tiêm kích F-16B Đài Loan bay thử sau khi nâng cấp lên chuẩn F-16V. (Ảnh: Airliners).

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/8 duyệt hợp đồng bán 66 tiêm kích F-16V, 75 động cơ và trang thiết bị trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan, chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Donald Trump xác nhận đã phê duyệt thương vụ này. Hợp đồng vẫn cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi có hiệu lực, nhưng các nghị sĩ của đảng Cộng hòa và Dân chủ trước đó đều tỏ ý ủng hộ việc bán tiêm kích cho Đài Loan.

Đây là lần đầu tiên Mỹ bán tiêm kích hiện đại cho Đài Loan kể từ sau hợp đồng 150 máy bay F-16 được cựu Tổng thống George H.W. Bush thông qua hồi năm 1992, đánh dấu sự chuyển dịch chiến lược đáng kể của Washington trong khu vực.

Quá trình chuyển dịch bắt đầu khi Đài Loan khởi động kế hoạch trị giá 5 tỷ USD mang tên "Phượng hoàng trỗi dậy", nhằm nâng cấp 144 tiêm kích F-16A/B Block 20 lạc hậu lên chuẩn F-16V "Viper" hiện đại nhất thế giới trước năm 2024.

Các máy bay diện nâng cấp này sẽ không có động cơ đời mới và hàng loạt cải tiến khí động học như trên mẫu F-16V hoàn chỉnh, nhưng được trang bị hệ thống điện tử tiên tiến, trong đó có radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) AN/APG-83, giúp chúng kết nối và phối hợp tác chiến cùng siêu tiêm kích F-35 Mỹ.

Với việc sở hữu những chiếc F-16V thực sự, lực lượng phòng vệ Đài Loan sẽ được cải thiện đáng kể khả năng tấn công mục tiêu tầm xa cũng như năng lực răn đe trước mọi động thái quân sự của Trung Quốc đại lục.

Tiêm kích F-16 Đài Loan diễn tập hồi tháng 5. (Ảnh: AFP).

"Tiêm kích F-16V rất đắt với mức giá hơn 120 triệu USD/chiếc, nhưng sở hữu khả năng tiến công ngang ngửa các chiến đấu cơ chủ lực của Trung Quốc như J-10C hay thậm chí là J-16. Nó thậm chí có thể phát hiện tiêm kích tàng hình J-20 từ xa", chuyên gia quân sự Antony Wong Dong tại Macau đánh giá.

Đài Bắc từng tỏ ý muốn sở hữu tiêm kích F-35B, cho rằng khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) của biến thể này sẽ giúp đối phó đòn phủ đầu bằng tên lửa nhằm vào các sân bay trên hòn đảo. Tính năng tàng hình cho phép F-35B đối phó hiệu quả hơn với những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Bắc Kinh, thậm chí tung đòn đánh vào sâu trong Trung Quốc đại lục.

Nếu sở hữu cả tiêm kích F-16V lẫn F-35, lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể được tăng cường đáng kể sức mạnh và thay đổi môi trường tác chiến ở eo biển Đài Loan và có thể khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt nếu muốn dùng vũ lực thu hồi hòn đảo.

"Những chiếc F-16V có thể chia sẻ dữ liệu mục tiêu với chiến đấu cơ Mỹ như F-35, F-15, F-16 và F-18 nhằm điều phối hoạt động tác chiến một cách hiệu quả, gây khó khăn cho mọi chiến dịch quân sự của Trung Quốc. Sự xuất hiện của phi đội F-16V tại Đài Loan sẽ là bước đi lớn trong việc xây dựng mạng lưới phòng thủ của Mỹ tại châu Á", cây bút Stephen Bryen của Asia Times nhận xét.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ đồng ý bán F-35 cho Đài Loan là rất thấp do lo ngại nhiều bí mật của phi cơ này sẽ rơi vào tay tình báo Trung Quốc. Giới chức Đài Bắc cũng cho rằng tiêm kích F-35B có giá bán quá đắt, chi phí vận hành và bảo dưỡng cao, trong khi tính năng chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện tác chiến thực tế.

Tiêm kích F-16 Đài Loan thả mồi bẫy nhiệt trong đợt diễn tập hồi tháng 5. (Ảnh: AFP).

Bởi vậy, một số chuyên gia quân sự đánh giá rằng việc mua 66 tiêm kích Mỹ và sở hữu phi đội hơn 200 chiếc F-16V vẫn không đủ để Đài Loan thay đổi cán cân quân sự trong khu vực. "Đài Loan nằm quá gần đại lục, mọi động thái của tiêm kích trên hòn đảo đều sẽ bị quân đội Trung Quốc theo dõi chặt chẽ", nhà phân tích quân sự Song Zhongping tại Hong Kong cho hay.

Song cho rằng cán cân sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan không chỉ được định đoạt bởi số lượng, chủng loại máy bay, mà phải dựa vào một hệ thống tác chiến toàn diện. "Trung Quốc đại lục đã phát triển một hệ thống tác chiến ba phương diện trên bộ, trên không, trên biển với sự tham gia của nhiều chiến đấu cơ, tên lửa, tàu chiến, vệ tinh và nhiều yếu tố khác mà Đài Loan chưa có", ông nói.

Đài Loan cũng không có dây chuyền công nghiệp quốc phòng hoàn chỉnh, buộc lực lượng phòng vệ hòn đảo này phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ và ngăn các loại vũ khí hiện đại phô diễn toàn bộ tính năng.

Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trở nên nguội lạnh kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, người không công nhận chính sách "Một Trung Quốc", lên nắm quyền hồi giữa năm 2016.

Trung Quốc gần đây liên tục tiến hành diễn tập không quân và hải quân ở khu vực quanh đảo Đài Loan, với sự tham gia của các khí tài hiện đại nhất trong biên chế như tiêm kích đa năng Su-35S, máy bay tàng hình J-20, oanh tạc cơ chiến lược H-6K và tàu sân bay Liêu Ninh.

Đáp lại, lực lượng phòng vệ Đài Loan đã có những thay đổi trong chiến lược phòng thủ, từ "đánh bại lực lượng tấn công" sang "đẩy lùi cuộc xâm lược trên không và trên biển" và đã tiến hành nhiều cuộc tập trận theo chiến lược mới.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích