|
Logo Huawei tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng ở Bắc Kinh hôm 2/8. Ảnh: AFP. |
Người sử dụng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc hôm 15/8 phát hiện trong phần cài đặt ngôn ngữ mặc định trên điện thoại của Huawei, hãng liệt kê "Đài Bắc (Đài Loan)" cho người dùng chọn tiếng Trung phồn thể, ngôn ngữ được sử dụng ở Đài Loan. Những người chọn tiếng Trung giản thể, ngôn ngữ được sử dụng tại Trung Quốc đại lục, sẽ thấy "Đài Bắc (Trung Quốc)".
Điều này đã gây một làn sóng phản ứng dữ dội trên mạng xã hội Trung Quốc và nhiều người kêu gọi tẩy chay Huawei. "Thật quá đáng. Đây là cách Huawei báo đáp Trung Quốc sao?", một người đăng trên Weibo.
Phần mềm của Huawei sau đó đã được sửa đổi để các điện thoại Huawei và Honor hiển thị "Đài Bắc (Trung Quốc)", trong khi các điện thoại bên ngoài Trung Quốc chỉ sử dụng Đài Bắc, không kèm quốc gia phía sau.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tức giận vì công ty không giải quyết vấn đề một cách công khai."Có phải Huawei đang phớt lờ điều này và sẽ không giải thích tại sao điều này xảy ra không? Là một người dùng các sản phẩm của Huawei, tôi cảm thấy rất chán ghét", một người khác cho hay.
Bất chấp phản ứng dữ dội trên mạng xã hội, Huawei đã từ chối bình luận. Sự việc diễn ra khi nhiều thương hiệu toàn cầu như Versace, Coach, Givenchy và Swarovski tuần này phải đối mặt với chỉ trích tương tự vì liệt kê Hong Kong, Macau và Đài Loan là một quốc gia hoặc khu vực riêng biệt, không phải một phần của Trung Quốc, trên các trang web hoặc áo phông có thương hiệu của họ.
Huawei là tập đoàn cũng cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, song bị Mỹ cùng nhiều nước phương Tây cáo buộc có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Tập đoàn này đang là tâm điểm trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Mỹ đã áp các lệnh hạn chế thương mại đối với Huawei, đồng thời tìm cách thuyết phục đồng minh cấm sử dụng sản phẩm của công ty này cho các mạng di động thế hệ mới do lo ngại về an ninh. Huawei bác bỏ cáo buộc làm việc cho chính phủ Trung Quốc.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất, kể cả phải sử dụng vũ lực. Quan hệ giữa hai bờ eo biển xấu đi từ khi bà Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách "Một Trung Quốc", lên nắm quyền năm 2016. Trung Quốc tháng trước công bố sách trắng quốc phòng mới, khẳng định sẽ không ngồi yên nếu bên nào có động thái chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc.
Theo VNE