Việt Nam lần đầu tiên đại học lọt tốp 1.000 trường theo xếp hạng ARWU

Thứ sáu, 16/08/2019, 18:57
Theo bảng xếp hạng ARWU, bảng xếp hạng đại học được đánh giá khó nhất thế giới, lần đầu tiên Việt Nam có một trường đại học được lọt vào tốp 1.000 trường, là Đại học Tôn Đức Thắng.  

Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: tdtu.edu)
Hệ thống xếp hạng đại học Academic Ranking for World Universities (ARWU) vừa công bố bảng xếp hạng 1.000 trường đại học uy tín năm 2019.

Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam có một trường đại học lọt vào tốp 1.000 trường, theo tiêu chí của ARWU, là Đại học Tôn Đức Thắng, với hạng 901-1000.

Đứng đầu bảng xếp hạng là những trường nổi tiếng thế giới. Đứng số một là Đại học Harvard (Mỹ), số hai là Đại học Stanford (Mỹ), số ba là Đại học Cambridge (Anh).

Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia là nước có nhiều trường lọt vào tốp 1.000 nhất với 5 trường, trong đó trường có vị trí cao nhất ở tốp 301-400. Tiếp đó là Thái Lan với 4 trường, trong đó trường có vị trí cao nhất ở tốp 401-500. Singapore có 3 trường lọt tốp 1.000 nhưng là có tới hai trường xếp vị trí cao nhất trong khu vực, trong đó một trường ở vị trí 67, một trường ở vị trí 73 và một trường ở tốp 801-900.

Bảng xếp hạng ARWU thường được biết đến với tên gọi Shanghai Ranking (Bảng xếp hạng Thượng Hải), do Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) thực hiện. Cùng với bảng xếp hạng THE, QS, ARWU là một trong ba bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới. Trong đó, ARWU được đánh giá là khó nhất.

Từ năm 2003, ARWU đã giới thiệu 500 trường hàng đầu thế giới hàng năm dựa trên phương pháp minh bạch và sử dụng dữ liệu thu thập độc lập. ARWU xây dựng bốn tiêu chí chính, bao gồm chất lượng giáo dục (10%), chất lượng giảng viên (40%), nghiên cứu khoa học (40%) và năng suất học thuật bình quân trên đầu người (10%).

Viet Nam lan dau tien dai hoc lot top 1.000 truong theo xep hang ARWU hinh anh 1
Đại diện QS Stars University Raitings (trái) trao chứng nhận xếp hạng 4 sao cho đại diện lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Trong đó, đối với 10% đánh giá xếp hạng từ chất lượng giáo dục, Đại học Giao thông Thượng Hải xem xét tổng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields. Với tiêu chí chất lượng giáo viên được đánh giá dựa trên số giảng viên được giải Nobel và huy chương Fields (20%), số nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều (20%).

So với các tiêu chí của ARWU, Đại học Tôn Đức Thắng không có cựu sinh viên hay giảng viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields. Có thể nhận thấy, trường Tôn Đức Thắng “ăn điểm” chủ yếu nhờ vào kết quả nghiên cứu khoa học. Tại Việt Nam, đây là một trong những trường đại học hàng đầu về nghiên cứu khoa học. Theo công bố của Đại học Tôn Đức Thắng, trường có trên 1.800 công bố khoa học trên các tạp chí uy tín, 7 bằng sáng chế quốc tế.

Trước đó, năm 2018, Đại học Tôn Đức Thắng cũng vinh dự là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức xếp hạng QS (Stars University Raitings, Anh quốc) xếp hạng 4/5 sao. Trong đó, các tiêu chí về chất lượng đào tạo, quốc tế hóa, cơ sở vật chất, tính toàn diện đều được đánh giá với điểm số tuyệt đối 5 sao, tiêu chí về tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp được đánh giá 4 sao. Xếp hạng này có giá trị trong vòng ba năm, từ năm 2018-2021.

Cũng nhờ các thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật, năm 2017, khi lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu độc lập công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học ở Việt Nam, nhiều người đã bất ngờ khi Đại học Tôn Đức Thắng được xếp ở vị trí thứ hai, chỉ sau Đại học Quốc gia Hà Nội, "vượt mặt" hàng loạt trường đại học nổi tiếng khác như Ngoại thương, Bách khoa hay Đại học Y Hà Nội.

Theo TTXVN

Các tin cũ hơn