Doanh nghiệp không đồng thuận đề xuất giảm giờ làm

Thứ bảy, 17/08/2019, 09:05
Góp ý cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và đang lấy ý kiến, các doanh nghiệp (DN) đều đồng loạt lên tiếng về đề xuất giảm giờ làm chính thức, hạn chế giờ làm thêm. Đây là những quy định đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Các doanh nghiệp phản ứng mạnh với đề xuất giảm giờ làm chính thức trong tuần từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần của Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi.

Mỗi tuần giảm 4 giờ làm

Theo Dự thảo Bộ luật Lao động (LĐ) sửa đổi, giờ làm bình thường trong tuần của người LĐ không quá 44 giờ/tuần (giảm 4 tiếng so với quy định hiện hành).

Lãnh đạo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho hay, đơn vị hiện có hơn 6.800 lao động, chi phí lao động năm 2018 hết hơn 787 tỷ đồng, năm 2019 dự kiến trên 835 tỷ đồng. Nói về đề xuất giảm giờ làm trên, lãnh đạo DN này bày tỏ quan điểm không đồng ý. Vì với 4 giờ làm chính thức bị giảm đi mỗi tuần, để bù vào DN sẽ phải chuyển sang để lao động làm thêm (tăng ca), khiến chi phí tăng thêm.

Đơn vị này tính toán, với cùng khối lượng sản phẩm làm ra trong 1 năm, nếu giảm giờ làm mỗi tuần 4 tiếng, chi phí LĐ của DN sẽ tăng thêm gần 50 tỷ đồng so với hiện nay. “Hiện tại,chưa có nghiên cứu nào về giảm giờ làm việc chính thức sẽ giúp tăng 20-25% năng suất lao động. Trong khi, năng suất và thu nhập của LĐ Việt thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Lương tối thiểu đã tăng liên tục, nay giờ làm lại giảm thì các DN sẽ thêm khó khăn”, lãnh đạo Minh Phú chia sẻ.

Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may (VITAS) Trương Văn Cẩm cho rằng, các nước trong khu vực có thu nhập cao hơn Việt Nam đều duy trì 1 tuần làm việc 48 giờ. Thậm chí, với 48 giờ làm việc mỗi tuần theo luật hiện hành, DN ở nhiều ngành như dệt may, da giày, thủy sản đã phải bố trí làm thêm giờ, hết thời gian được phép (tối đa 300 giờ /năm). Thậm chí, có DN vi phạm quy định về giờ làm thêm (tăng ca quá giờ) để kịp giao hàng. Do đó, nếu giảm giờ làm chính thức, số giờ bị cắt giảm DN sẽ phải trả tiền để người LĐ tăng ca, với mức lương phải trả cao hơn.

Tính sơ bộ, với 1 DN quy mô 2.000 LĐ sẽ phải trả thêm 1 năm khoảng 5 tỷ đồng. Ngành dệt may hiện sử dụng khoảng 2,8 triệu LĐ, chi phí tăng thêm do giảm giờ làm sẽ rất lớn. “Giảm giờ làm với điều kiện của Việt Nam hiện chưa phù hợp, làm tăng thêm chi phí, giảm sức cạnh tranh của DN”, ông Cẩm nói.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) Trương Đình Hòe đồng tình nên giữ mức một lao động chỉ làm 48 giờ/tuần. Theo ông Hòe, trong khi lương làm thêm được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng lên, giờ làm chính thức giảm đi, sẽ khiến chi phí DN tăng cao. Các DN Việt Nam sẽ giảm sức cạnh tranh, trong khi việc thu hút đầu tư cũng khó hơn khi chi phí cho LĐ của Việt Nam cao hơn các nước khác. Theo ông Hòe, trên thế giới, hiện chỉ các nước phát triển áp dụng giờ làm mỗi tuần 40 giờ - 44 giờ, như Mỹ, khối EU, Nhật Bản, Singapore... còn đa phần các nước đang phát triển và mới nổi đều áp dụng tuần làm 48 giờ.

Ðề xuất tăng thời gian làm thêm

Một nội dung khác cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng DN là đề xuất về tăng khung giờ làm thêm. Theo dự luật, giờ làm thêm sẽ tăng lên tối đa 400 giờ/năm với trường hợp đặc biệt (thêm 100 giờ /năm so với hiện nay). Dù vậy, hiện nhiều ý kiến, kể cả các đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất này, và cho rằng phải giảm giờ làm, việc tăng giờ làm là đi ngược xu hướng phát triển.

“Nay nếu giờ làm thêm giảm, cùng với giảm giờ làm chính thức, các DN Việt sẽ rất khó khăn, tăng chi phí, khó cạnh tranh”, ông Cẩm nêu quan điểm và đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa lên 450 giờ/năm.

Lãnh đạo Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay, vào mùa thu hoạch tôm, DN sẽ phải tăng giờ làm thêm để xử lý hết số tôm người nông dân nhập về nhà máy, hoặc phải hoàn thành hàng hóa theo hợp đồng. DN phải bố trí LĐ làm thêm giờ vượt quá quy định. Việc này bất khả kháng, nhưng DN bị đối tác xếp hạng là vi phạm quy định của Luật Lao động. Do đó, DN này đồng tình với đề xuất tăng giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm.

Tại hội thảo DN góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi diễn ra ít ngày trước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, nếu giảm giờ làm như dự luật đưa ra, mỗi năm sẽ giảm tới 220 giờ làm (mỗi tuần giảm 4 tiếng). Về giờ làm thêm, ông Lộc ủng hộ phương án tăng tối đa 400 giờ/năm. Tuy vậy, dù giờ làm thêm tăng lên 400 giờ/năm, nhưng giờ làm chính thức lại giảm tới hơn 200 giờ/năm. Ông Lộc cho rằng, quy định như vậy rất bất hợp lý với DN.

Ngày 1/8, VCCI và 6 hiệp hội ngành hàng (gồm: Vasep, Vitas, Lefaso, Veia, Jcci, AmCham) cùng ký văn bản chung gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan 5 kiến nghị về sửa Bộ luật Lao động. Trong đó có 3 vấn đề chính, gồm: Không cắt giảm giờ làm việc chính thức trong tuần từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần; Tăng giờ làm thêm tối đa lên 300 giờ/năm, trường hợp đặc biệt được 500 giờ/năm; Không bổ sung thêm quy định DN phải cho người LĐ nghỉ 1-2 ngày để thực hiện quyền công đoàn.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn