Liên quan đến việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược tuyên bố rằng vùng biển tàu Hải Dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc đang hoạt động là vùng thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam kiên quyết bác bỏ, nhấn mạnh:
"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Một trong các tàu thuộc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc. (Ảnh: Schottel) |
Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8, phía Việt Nam đã nói rõ nhiều lần, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982".
Trước đề nghị bình luận thông tin một số hãng tin của Ấn Độ dẫn “nguồn tin ngoại giao” của Việt Nam, cho rằng: Việt Nam có thể đưa vụ việc ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cân nhắc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, bà Lê Thị Thu Hằng không phủ nhận và cho biết thêm: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các lợi ích và quyền lợi hợp pháp của Việt Nam bằng các biện pháp hòa bình, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế”.
Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc lần thứ 2 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Dư luận lo ngại các hành vi vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, dẫn tới nguy cơ mất an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong tuyên bố đưa ra mới đây cho biết Việt Nam giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS và luật pháp quốc tế.
"Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình”, người phát ngôn cho biết.
Theo VTC