Theo New York Times, Trung Quốc đang tích lũy thông tin được các cơ quan chính phủ và hiệp hội ngành công nghiệp cung cấp bao gồm các quyết định của tòa án, dữ liệu bảng lương, hồ sơ môi trường, vi phạm bản quyền, thậm chí cả số lượng Đảng viên để phân loại các doanh nghiệp và những người điều hành chúng.
Các công ty đạt điểm thấp có thể sẽ bị cấm vay tiền, chủ sở hữu hoặc giám đốc điều hành các doanh nghiệp này có thể bị đóng băng tài khoản ngân hàng hoặc bị cấm đi du lịch.
Không chỉ các doanh nghiệp Trung Quốc, các công ty nước ngoài cũng nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Trong các bức thư gửi đi mới đây, các quan chức Trung Quốc cảnh báo sẽ đưa United Airlines, American Airlines, FedEx và Delta Air Lines vào danh sách đen nếu không tuân thủ các yêu cầu của Bắc Kinh.
Các doanh nghiệp hoạt động ở Trung Quốc bị chấm điểm từ nghèo nàn cho tới xuất sắc trong hệ thống tín dụng xã hội. (Ảnh: EPA-EFE) |
Trung Quốc gọi đây là hệ thống tín dụng xã hội. Tới năm 2020, giới chức Trung Quốc sẽ bắt đầu áp dụng hệ thống này để trừng phạt hoặc khen thưởng các cá nhân.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lọt tầm ngắm trong các chương trình thí điểm của hệ thống này. Cách đây ít ngày, Cơ quan hoạch định kinh tế Trung Quốc tuyên bố hoàn thành đánh giá đầu tiên về 33 triệu doanh nghiệp, xếp hạng từ 4 (nghèo nàn) tới 1 (xuất sắc).
Theo New York Times, Trung Quốc hy vọng hệ thống tín dụng sẽ trở thành công cụ điều tiết toàn quốc, giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát nhiều hơn đối với các doanh nghiệp.
"Nó có thể ảnh hưởng tới việc các doanh nghiệp sẽ ra quyết định ra sao để phù hợp với những gì mà Đảng mong muốn",bà Samantha Hoffman, một thành viên tại Viện Chính sách chiến lược Australia cho biết.
Loren Fei, 30 tuổi, con gái của chủ một nhà máy tơ lụa bị thêm vào danh sách đen sau khi cha cô không thể trả một số khoản phí. Fei bị đóng băng tài sản, mất việc và không được đi du lịch.
"Gia đình chúng tôi muốn trả tiền nhưng hệ thống này đang biến điều đó thành không thể", Fei nói.
Giới chức Trung Quốc cũng đang tìm cách sử dụng hệ thống này như một công cụ để để "bẻ cong" các công ty nước ngoài theo quan điểm của Bắc Kinh, New York Times nhận định.
Năm 2018, United Airlines, American Airlines và Delta Air Lines nhận được thư từ các quan chức hàng không Trung Quốc nói điểm tín dụng xã hội của họ sẽ bị đánh tụt nếu trang web của họ liệt kê Ma Cao, Hong Kong, Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Điểm thấp sẽ dẫn tới các cuộc điều tra, làm tăng nguy cơ đóng băng tài sản ngân hàng, hạn chế di chuyển của các nhân viên công ty và nhiều hình phạt khác, New York Times dẫn lại nội dụng trong bức thư gửi tới United Airlines.
Hệ thống tín dụng xã hội là một trong những nỗ lực của giới chức lãnh đạo Trung Quốc để tăng cường kiểm soát đất nước tỷ dân. Bắc Kinh đang cài đặt công nghệ nhận dạng khuôn mặt riêng biệt và các hệ thống giám sát khác khắp mọi nơi để theo dõi công dân của mình.
Áp dụng cho các doanh nghiệp, hệ thống tín dụng xã hội có thể mang lại lợi ích thực sự cho Trung Quốc khi ngăn chặn tình trạng bao che doanh nghiệp tại các địa phương, vi phạm luật lao động...
Fei nói, trong nhiều năm qua, nhà máy tơ lụa của gia đình cô phá vỡ các quy tắc môi trường theo "mong muốn" của chính quyền địa phương để tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng nó bị đóng cửa vì lý do môi trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo sẽ là một thảm họa nếu dữ liệu được cung cấp không chính xác hoặc các mức phạt đưa ra không tương xứng. Ngoài ra, các công ty bị liệt vào danh sách đen sẽ rất khó vực dậy vì các hệ quả sau khi bị chấm điểm thấp như trường hợp của công ty gia đình Fei.
Các doanh nghiệp nước ngoài thì lo ngại hệ thống tín dụng xã hội sẽ trở thành vũ khí trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
FedEx mới đây nhận cảnh báo từ chính quyền Bắc Kinh rằng họ có thể sẽ bị liệt vào danh sách các công ty nước ngoài không đáng tin cậy vì giữ lại hoặc chuyên sai địa chỉ các lô hàng của Huawei.
Theo VTC