Sáng 23/9, người dân TP.HCM nhìn về phía xa vẫn còn thấy màu bàng bạc như sương mù. Kiểu thời tiết này đã kéo dài từ cuối tuần trước khiến người dân liên tưởng đến hiện tượng “mù khô” từng xuất hiện vào đầu năm 2018 khiến nhiều người cảm thấy khó thở, chảy nước mắt khi đi ngoài đường.
Lúc 10h, website Airvisual.com ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở một số nơi tại TP.HCM như: Thảo Điền (quận 2) là 152, phường 22 (quận Bình Thạnh) là 138. So với ngày 22/9, chỉ số này đã giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.
Chất lượng không khí một số nơi ở TP.HCM ở mức xấu. (Ảnh: AirVisual). |
Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết màu trắng đục mà người dân nhìn thấy là hiện tượng mù. Tuy nhiên, hiện tượng mù ở đô thị khác với sương mù ở các vùng núi về khả năng gây hại.
Nếu như sương mù ở vùng núi chỉ đơn thuần là các giọt nước ngưng tụ thì ở đô thị lại có thêm các loại khói bụi ô nhiễm ẩn trong không khí. Càng về trưa, mức độ ô nhiễm càng cao do tia bức xạ chiếu thẳng vào các hạt bụi bay lơ lửng ở tầng thấp.
Chuyên gia thời tiết cho rằng nguyên nhân chính khiến cho Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn có hiện tượng này là do không khí bị ô nhiễm. Nguồn phát thải ra không khí ở các đô thị rất đa dạng, từ hoạt động giao thông cho đến công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt hàng ngày của cư dân.
“Chất lượng không khí ở Hà Nội thuộc nhóm xấu nhất thế giới, TP.HCM dù đỡ hơn nhưng vẫn tác động xấu đến nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai”, bà Lan thông tin.
Ô nhiễm không khí ở Thảo Điền (phải) không phải từ hoạt động của khu vực này gây ra mà từ nơi khác thổi đến. |
Nhiều người dân cảm thấy khó hiểu khi khu vực Thảo Điền, Thủ Thiêm có nhiều cây xanh, ít công trình nhà cửa và hoạt động giao thông nhưng chất lượng không khí vẫn xấu.
Giải đáp thắc mắc này, bà Lan cho biết không khí không đứng yên một chỗ mà liên tục di chuyển theo hướng gió. Do vậy, ô nhiễm không khí ở Thảo Điền không phải từ hoạt động của khu vực này gây ra mà từ nơi khác thổi đến, có thể là từ ngã tư Hàng Xanh.
Trong 3 ngày qua, nhiều thành phố khu vực Nam Bộ như Rạch Giá (Kiên Giang), Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ, Bến Tre có chỉ số không khí cao bất thường.
Một số chuyên gia môi trường cho rằng sự bất thường này có liên quan đến cháy rừng ở Indonesia bởi từ trước đến nay không khí ở khu vực Nam Bộ được đánh giá là sạch.
Lãnh đạo 2 quốc gia là Malaysia và Singapore cho rằng cháy rừng ở Indonesia là nguyên nhân gây ô nhiễm một số thành phố của họ.
Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan cho rằng cháy rừng ở Indonesia cách xa Việt Nam nên khó có thể là nguyên nhân chính khiến không khí khu vực Nam Bộ và TP.HCM bị ô nhiễm.
Cụ thể, ngày 18/9 xảy ra cháy rừng, theo hướng gió Tây Nam thổi ngược lên thì sau 2 ngày có thể tác động đến Nam Bộ. Nhưng sau đó, gió Đông Bắc thổi xuống từ ngày 21/9 đẩy ngược chất ô nhiễm ra phía biển nên khả năng tác động không lớn.
Theo Zing