Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Ảnh: Reuters)
Trên Twitter hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ "xóa sổ hoàn toàn nền kinh tế" Thổ Nhĩ Kỳ, nếu phát hiện nước này hành động quá mức trong chiến dịch quân sự tại Syria Tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Nhà Trắng công bố kế hoạch rút binh sĩ khỏi khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống đáy một tháng so với đôla Mỹ sau thông tin trên. Từ đầu năm, đồng tiền này đã yếu đi gần 10%.
Đây không phải lần đầu tiên Trump đe dọa tấn công kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, Mỹ đã nhiều lần giáng đòn lên nước này, khi quan hệ hai bên gần đây xấu đi vì hàng loạt bất đồng, từ cách đối phó IS, kế hoạch mua hệ thống tên lửa Nga của Thổ Nhĩ Kỳ đến cách trừng phạt những người được coi là chủ mưu trong vụ đảo chính thất bại tại nước này năm 2016.
Tháng 3/2018, Trump áp thuế nhập khẩu nhôm thép lên sản phẩm của hàng loạt đối tác thương mại, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ. 5 tháng sau, ông nâng gấp đôi thuế này với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm buộc nước này thả Andrew Brunson – mục sư người Mỹ bị giam giữ tại đây vì cáo buộc khủng hố. Brunson sau đó được thả tháng 10 năm ngoái. Thổ Nhĩ Kỳ không bán nhiều nhôm sang Mỹ, nhưng là quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 6 sang nước này.
Thông báo tăng thuế khiến đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ mất 20% chỉ trong 24 giờ, xuống thấp kỷ lục so với đôla Mỹ. Chứng khoán nước này mất hơn 2% hôm đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên hơn 23%, gấp đôi so với đầu năm ngoái.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phải kêu gọi người dân bán vàng và ngoại tệ để mua lira. Ông gọi đây là một "cuộc chiến kinh tế".
Việc tăng thuế cũng được công bố đúng thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ vật lộn với khủng hoảng kinh tế. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2018, lira đã mất 40%, do nhà đầu tư lo ngại nước này không thể hoàn trả các khoản nợ. Đến cuối năm 2018, tổng nợ bằng ngoại tệ trong trung hạn và dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt 328 tỷ USD. Đây là hệ quả sau nhiều năm vay nước ngoài để phục vụ sự bùng nổ xây dựng dưới thời ông Erdogan.
GDP nước này năm ngoái vào khoảng 784 tỷ USD, tăng 2,6%. Riêng quý cuối, nền kinh tế này co lại 3%, theo số liệu của cơ quan thống kê TurkStat.
Tháng 5/2019, Mỹ giảm nửa thuế nhập khẩu lên thép Thổ Nhĩ Kỳ, xuống còn 25%. Tuy nhiên, họ lại chấm dứt ưu đãi thương mại (GSP) với nước này, vốn giúp nhiều hàng xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ vào Mỹ với thuế 0%. Từ tháng 3, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã thông báo Thổ Nhĩ Kỳ không còn đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình này, do "trình độ phát triển kinh tế không tương xứng". Cơ quan này đã xem xét lại vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 8 năm ngoái, khi hai nước bất đồng ngoại giao.
Ankara trước đó từng kỳ vọng Washington sẽ không loại nước này khỏi chương trình ưu đãi. Do việc này sẽ đi ngược mục tiêu thương mại song phương 75 tỷ USD mà ông Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đặt ra.
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, kim ngạch thương mại hàng hóa hai nước giai đoạn 2009 – 2018 đã tăng gấp đôi, lên 20,5 tỷ USD năm ngoái, nhưng vẫn được coi là chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 28 của Mỹ và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 34. Mỹ nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là máy móc, phương tiện giao thông, thảm, sản phẩm dệt may, sắt, thép, đá và hàng nông nghiệp
Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 120 nước tham gia GSP. Đây là chương trình ưu đãi thương mại lớn và lâu đời nhất của Mỹ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước và vùng lãnh thổ thông qua xóa bỏ thuế với hàng nghìn sản phẩm. Theo USTR, năm 2017, Mỹ nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ 1,66 tỷ USD theo GSP, tương đương 17,7% tổng nhập khẩu của Mỹ từ nước này.
Đầu tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin cũng cho biết họ đang cân nhắc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ quanh việc nước này mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Mỹ trước đó đã tuyên bố sẽ cấm Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu F-35 của nước này. Mỹ từ lâu đã khẳng định động thái của Thổ Nhĩ Kỳ không phù hợp với việc nước này nằm trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chương trình F-35.
Giới quan sát cho rằng Mỹ có rất nhiều lựa chọn trong việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Họ có thể cấm các thực thể Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận tổ chức tài chính Mỹ, từ chối cấp visa cho lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp nước này, đóng băng tài sản tại Mỹ của họ hoặc cấm Thổ Nhĩ Kỳ huy động vốn từ các tổ chức quốc tế.
Tổng thống Trump đến nay vẫn tỏ ra lưỡng lự với việc áp thêm các lệnh trừng phạt lên chính quyền Erdogan. Dù quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, Washington Post trích lời các nguồn tin thân cận cho biết đòn đánh của Mỹ, nếu có, sẽ rất mạnh tay.