Khi Phó Tổng thống Mike Pence lên máy bay tại Căn cứ không quân Andrew để tới Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều quan chức Mỹ nói họ không kỳ vọng quá nhiều về các cuộc đàm phán của ông Pence trên đất khách. Một vài người còn thắc mắc vì sao ông Trump không gửi phái đoàn Mỹ tới Ankara ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ manh nha phát động cuộc chiến.
Sau 9 giờ đàm phán, ông Pence tuyên bố Mỹ-Thổ đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong 120 giờ ở Đông Bắc Syria.
"Hôm nay, chúng tôi đồng ý ngừng bắn ở Syria", ông Pence nói trong cuộc họp báo đêm tại dinh thự đại sứ Mỹ. Ông Pence cho biết được phái đi để ngăn chặn bạo lực và đã đạt được mục tiêu của mình.
Nhưng "mục tiêu" mà Phó Tổng thống Mỹ đề cập lại gây hoang mang ở quê nhà.
Phái đoàn Mỹ-Thổ đàm phán trước khi đi tới thỏa thuận ngừng bắn. (Ảnh: CNN) |
Ngay sau phát biểu của ông Pence, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định 2 phái đoàn không đồng ý "ngừng bắn" mà là "tạm dừng". Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ tin rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ không đồng thuận với thuật ngữ "ngừng bắn" không có nghĩa là họ không đồng ý ngừng bắn.
Một số quan chức khác bi quan hơn, cho rằng 2 bên chưa đạt tới bất cứ cam kết nào thực sự.
"Đây thực chất là việc Mỹ xác nhận những gì Thổ Nhĩ Kỳ đã làm và cho phép họ sáp nhập một phần của Syria và thay thế dân số người Kurd. Đó là những gì Thổ Nhĩ Kỳ muốn và Tổng thống đã bật đèn xanh. Tôi nghĩ có một lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý là vì người Kurd kháng cự mạnh mẽ hơn và kết quả là họ không thể tiến lên phía Nam nữa", một một quan chức Mỹ bình luận.
Ngay sau buổi họp báo của ông Pence, các trợ lý của ông công bố bức ảnh chụp một văn bản với tiêu đề "Tuyên bố chung Mỹ-Thổ về miền Bắc Syria".
Tài liệu này không sử dụng thuật ngữ ngừng bắn và chủ yếu nói về mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bức thư mà Tổng thống Trump gửi tới người đồng cấp Erdoğan không được đề cập tới trong suốt 9 giờ đàm phán. Ông Pence chỉ nói rằng với lệnh ngừng bắn mới, Mỹ sẽ không áp thêm các biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, lệnh ngừng bắn kéo dài bao lâu là một phần quan trọng khác của các cuộc đàm phán. Ông Pence dành một thời lượng đáng kể để thương lượng vấn đề này. Cuối cùng, 2 bên đồng ý gói gọn trong 120 giờ, thời gian mà Mỹ coi là thực tế để người Kurd rời di và tránh một cuộc giao tranh dữ dội.
Theo CNN, các quan chức Nhà Trắng đã liên hệ với lực lượng người Kurd trong cuộc đàm phán hôm 17/10, dò hỏi về các vấn đề hậu cần, thắc mắc về nơi lực lượng này rút về và yêu cầu họ ngừng nã pháo tầm xa vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Một nguồn tin tiết lộ với CNN rằng điểm mấu chốt trong chuyến đi lần này của ông Pence là cuộc gặp với Tổng thống Erdoğan.
Tại cuộc gặp, mỗi bên mang theo một phiên dịch viên, đặc biệt ở phía Mỹ là đặc phái viên Mỹ về Syria Jim Jeffrey. Một quan chức tiết lộ ông Pence chọn Jeffrey làm thông dịch vì ông Erdoğan đưa một Cố vấn an ninh quốc gia thông thạo tiếng Anh tới họp.
Tại một thời điểm trong cuộc đàm phán, ông Erdoğan đặt câu hỏi mất bao lâu để người Kurd rút đi. Đối với ông Pence, đây là thời điểm quyết định, báo hiệu sự cởi mở của Ankara với một lệnh ngừng bắn.
Kết thúc cuộc đối thoại một-một, ông Erdoğan và ông Pence tiếp tục cuộc đàm phán mới với sự tham gia của các quan chức 2 bên trước khi tới thỏa thuận cuối cùng.
Trên chuyến bay trở về Washington, Phó Tổng thống Mỹ liên lạc với một số nghị sỹ đảng Cộng hòa và Dân chủ nói sơ qua về kết quả đàm phán như một cách để xoa dịu cơn giận dữ của họ sau khi ông Trump rút quân khỏi Syria, bật đèn xanh cho chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều người vẫn tỏ ra không hài lòng khi tin rằng chuyến đi của ông Pence là quá muộn màng.
"Tôi hy vọng thỏa thuận này được tôn trọng nhưng cốt lõi của vấn đề này là vì sao các điều khoản và sự đảm bảo này không được đàm phán trước khi Tổng thống rút quân đội về", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rom Romney nói.
Theo VTC