Phó Thủ tướng ủng hộ TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế

Thứ sáu, 18/10/2019, 14:41
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định TP.HCM hiện nay đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam và hoàn toàn có tiềm năng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Ngày 18/10, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM được tổ chức với chủ đề Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại diễn đàn, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành đều bày tỏ niềm tin với tiềm năng phát triển thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của TP.HCM.

Nhiệm vụ của cả nước

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đây là sự kiện quan trọng với TP.HCM và cả nước, bởi việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM không chỉ là mong muốn của TP mà còn là nhiệm vụ của cả nước.

Nhìn lại 30 năm đổi mới vừa qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, luôn nằm trong những nước tăng trưởng nhiều nhất trên thế giới. Ông cho biết tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong các thập niên vừa qua lần lượt đạt 6-8%. Trong 10 năm tiếp theo, nước ta phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 7%.

"Có nhiều ý kiến cho rằng khi quy mô kinh tế tăng lên thì tốc độ tăng trưởng khó đạt như trước. Nhưng tôi tin, nếu Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và huy động nguồn lực hỗ trợ thì đất nước sẽ ngày càng phát triển nhanh hơn. Đó là chưa xét đến những ý tưởng mới như trung tâm tài chính tầm vóc khu vực và quốc tế ở TP.HCM", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định TP.HCM hiện nay đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ nhận định TP.HCM hiện nay đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là trung tâm đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính, giáo dục. Sự nghiệp đổi mới đất nước khởi đầu từ những sáng kiến và cải cách ở TP.HCM.

Do đó, muốn phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ.

Ông cho biết thời điểm TP.HCM trình Chính phủ đề án xây dựng vào năm sau trùng với dịp phê duyệt nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho TP. Do đó, cơ hội và thuận lợi là điều có thể nhìn nhận rõ ràng.

Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định TP.HCM là đầu tàu, nhưng các tỉnh, thành khác trên cả nước, đặc biệt trong khu vực Đông Nam Bộ phải cùng chung tay hỗ trợ.

Đặc biệt, ông cho rằng người dân TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung luôn giữ tư duy cởi mở, đặc biệt trong phát triển kinh tế, thành phố tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế không chỉ muốn thành công trong kinh doanh mà còn nhận được trải nghiệm cuộc sống thú vị và sáng tạo, mang lại những giá trị tốt đẹp.

Các bộ, ngành cam kết hỗ trợ TP.HCM

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Đây không chỉ là ước mơ của cá nhân tôi mà còn là sự mong đợi của nhiều nhà đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam".

“Nếu có những bước đi cụ thể, vững chắc thì việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM là hoàn toàn có thể đạt được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định và cho biết cam kết đồng hành cùng TP để tháo gỡ các khó khăn, rào cản về thể chế, pháp luật.

Bộ trưởng KH&ĐT đề xuất TP.HCM nghiên cứu thêm phương án mở rộng phạm vi trung tâm tài chính ngoài khu vực trọng điểm Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, ông cũng đề xuất TP.HCM nghiên cứu thêm phương án mở rộng khu vực trung tâm tài chính. Theo ông, khu vực trọng điểm Thủ Thiêm dù có nhiều tiềm năng nhưng chỉ có phạm vi 70ha.

Do đó, nếu TP.HCM phát triển đến các khu vực Cần Giờ, một phần Bình Chánh, quận 7, Nhà Bè có diện tích đủ lớn (từ 10.000ha trở lên) và không gây tác động xấu lên hệ sinh thái thì sẽ tạo sức bật tốt hơn cho trung tâm này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định sẽ hỗ trợ TP.HCM trong đề án lần này. Trong đó, Bộ Ngoại giao hỗ trợ cung cấp thông tin tham khảo từ các trung tâm tài chính khác trên thế giới, kết nối chuyên gia quốc tế tư vấn, hiến kế, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài phù hợp và đồng hành triển khai các hoạt động đối ngoại, giúp TP.HCM mở rộng quan hệ với các địa phương.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc phát triển trung tâm tài chính của TP.HCM cần đồng bộ với chiến lược phát triển chung của ngành ngân hàng cả nước.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước cam kết nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính quốc tế, góp phần hỗ trợ TP.HCM nâng tầm khu vực và quốc tế.

Theo Zing

Các tin cũ hơn